Singapore nỗ lực ngăn chặn bệnh tiểu đường bất chấp những rủi ro về kinh tế

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Singapore sẽ thắt chặt các quy định về hiển thị hàm lượng đường trong đồ uống tại các nhà bán lẻ trong nỗ lực kìm hãm sự gia tăng của căn bệnh tiểu đường.

Đồ uống đang trong tầm ngắm vì hơn một nửa lượng đường hàng ngày (trung bình 60 gram) của người Singapore đến từ đồ uống. Ảnh: Nikkei Asia
Đồ uống đang trong tầm ngắm vì hơn một nửa lượng đường hàng ngày (trung bình 60 gram) của người Singapore đến từ đồ uống. Ảnh: Nikkei Asia

Bắt đầu từ ngày 30/12, đồ uống sẽ được xếp hạng theo hàm lượng đường và những loại đồ uống có hàm lượng đường cao hơn sẽ phải hiển thị mức phân loại của chúng. Đồ uống có hàm lượng đường cao nhất sẽ bị cấm thực hiện quảng cáo. Các quán đồ uống và nhà hàng cũng bắt buộc phải tuân theo các quy định và ngành công nghiệp đang phải gấp rút thực hiện các biện pháp cần thiết.

Theo hệ thống bảng tính điểm dinh dưỡng cho đồ uống (Nutri-Grade), đồ uống được bán ở Singapore sẽ được phân thành bốn hạng từ A đến D, tùy thuộc vào hàm lượng đường trên 100 ml. Đồ uống hạng A sẽ có 1 gam đường hoặc ít hơn, trong khi đồ uống hạng D nhiều đường nhất sẽ có nhiều hơn 10 gam. Hàm lượng chất béo bão hòa cao chứa trong đồ uống sẽ đẩy thứ hạng của đồ uống xuống thấp hơn nữa.

Đồ uống hạng C và D sẽ phải ghi rõ thứ hạng và hàm lượng đường ở mặt trước của bao bì. Đồ uống hạng D sẽ bị cấm quảng cáo

Nước ép trái cây nata de coco Mogu Mogu do Thái Lan sản xuất - xếp hạng D và trà chanh từ Pokka của Nhật Bản - xếp loại C, gần đây đã được bày bán tại cửa hàng giảm giá Yigo Mart ở trung tâm Singapore. Đây là một trong nhiều nhà bán lẻ tuân thủ các quy định mới trước ngày có hiệu lực.

"Hai biện pháp mới nhằm mục đích giúp người tiêu dùng xác định đồ uống có nhiều đường và chất béo bão hòa hơn, đồng thời giảm mức độ ảnh hưởng của quảng cáo đối với thói quen mua sắm của người tiêu dùng, do đó khuyến khích họ có những lựa chọn sáng suốt và lành mạnh hơn cũng như tiến tới thúc đẩy cải cách ngành" - Nikkei Asia dẫn lời lý giải của Ủy ban Xúc tiến Y tế về vấn đề này.

Phòng chống bệnh tiểu đường đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách y tế của Singapore trong những năm gần đây. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trong số người trưởng thành của Singapore là 14,9% vào năm ngoái, cao hơn ở Nhật Bản (11,8%) và Trung Quốc (13%) - theo dữ liệu từ Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế.

“Cứ ba người ở Singapore thì có một người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường”- Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết vào tháng 11/2021.

Những căn bệnh do lối sống khắc khổ là một vấn đề nghiêm trọng ở Singapore khiến cho dân số già đi nhanh chóng. Nếu không có một biện pháp nào được áp dụng, những chi tiêu liên quan đến y tế có thể tăng lên và đè nặng lên nền tài chính của đất nước này.

Bộ Y tế đang triển khai chiến dịch “Cuộc chiến chống bệnh tiểu đường” nhằm nâng cao nhận thức về bệnh và cải thiện thói quen sinh hoạt của người dân.

Hiện đồ uống đang trong tầm ngắm của chiến dịch này do hơn một nửa lượng đường (trung bình 60 gram hàng ngày) mà người Singapore nạp vào đều đến từ các loại đồ uống khác nhau.

Các nhà sản xuất, nhập khẩu và bán buôn đồ uống đang phải “bù đầu” giải quyết những nan giải trong quy định mới ngay cả trước khi chúng được công bố vào cuối năm ngoái. Một số đồ uống hiện có nhãn Nutri-Grade, tuy nhiên một số sản phẩm nhập khẩu có hàm lượng đường loại C nhưng lại không có nhãn.

Ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống này đang cảm thấy mệt mỏi hơn bao giờ hết.

“Chúng tôi phải dán nhãn pha chế đặc biệt lên đồ uống nhập khẩu từ Nhật Bản và đó là gánh nặng đối với chúng tôi” - Ông Nobuki Miura, giám đốc điều hành công ty nhập khẩu thực phẩm Nhật Bản Imei, cho biết.

Ông nói thêm: “Đồ uống không thể được xếp hạng và bán trừ khi nhà sản xuất tiết lộ thông tin về thành phần của chúng. Tuy nhiên, tôi nghe nói rằng nhiều sản phẩm đã bị loại bỏ khỏi các kệ hàng".

Việc mở hộp và dán nhãn lên mỗi chai hoặc lon sẽ khiến cho các công ty tốn nhiều chi phí lao động hơn. Một số nhà sản xuất nước giải khát nước ngoài không có lựa chọn nào khác ngoài việc in nhãn đặc biệt trên bao bì ở nước sản xuất chỉ dành cho các sản phẩm bán chạy ở Singapore. Nhưng vì thị trường Singapore còn nhỏ, một số công ty cho rằng những phản hồi này không có ý nghĩa kinh doanh thực tiễn.

Các quy định mới được đưa ra sẽ không áp dụng riêng cho đồ uống đóng hộp và đóng chai. Vào tháng 8, bộ trưởng y tế cho biết chính phủ cũng có kế hoạch dán nhãn Nutri-Grade cho đồ uống mới pha chế tại các cửa hàng thực phẩm và đồ uống.

Chính phủ có kế hoạch công bố chi tiết về các biện pháp mới vào giữa năm tới. Trà sữa trân châu được giới trẻ ưa chuộng và cà phê có đường truyền thống với sữa đặc cũng sẽ phải đối mặt với việc buộc phải giảm lượng đường.

Những người chuộng đồ ngọt ở Malaysia cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác cũng hàng ngày phải đối mặt với những nguy cơ đền từ căn bệnh tiểu đường và béo phì.

Tuy nhiên, ngày càng có những giải pháp kịp thời nhằm giải quyết vấn đề này khi mà người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe của mình.

Yeo Hiap Seng, một công ty có trụ sở tại Singapore chuyên sản xuất trà hoa cúc và các loại đồ uống châu Á khác, đã xem xét lại hàm lượng đường trong các sản phẩm của mình và phát triển các dòng sản phẩm ít đường và không đường từ năm 2006.

“Gần 100% đồ uống của chúng tôi được phân loại A và B”- một nhân viên của Yeo Hiap Seng cho biết.