Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Sính ngoại” - mất tiền oan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những năm gần đây, xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh đang trở thành phong trào của những gia đình khá giả.

KTĐT - Trong những năm gần đây, xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh đang trở thành phong trào của những gia đình khá giả. Không chỉ đơn giản vì cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại, mà cách phục vụ tận tình của những bệnh viện này khiến bệnh nhân có cảm giác mình là thượng đế thực sự. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân rơi vào cảnh… tiền mất nhưng bệnh không thuyên giảm…

 Suýt chết nơi đất khách

Chị Phan Hồng Nhung, ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại lần vượt cạn của mình. Chị suýt nữa thì không giữ được đứa con trai chỉ vì ra nước ngoài thực hiện ca mổ đẻ. Vì muốn được hưởng dịch vụ y tế tốt, chị Nhung đã chọn Thái Lan để sinh con. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, chị cùng chồng sang Thái trước một tuần để chờ ngày sinh như dự tính. Không hiểu vì ngôn ngữ bất đồng hay do người phiên dịch đi cùng chị không hiểu hết thuật ngữ ngành y mà bác sĩ ở đó không đồng ý cho chị sinh con mặc dù chị đã đau thắt nhiều giờ.

Thấy không bình thường, chị đã gọi điện cho một người bạn là bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện trong nước và anh này đã tức tốc bay từ Việt Nam sang Thái. Hóa ra bác sĩ trực tiếp theo dõi và thực hiện ca mổ cho chị tại thời điểm đó không có mặt nên y tá đã trì hoãn bằng cách nói với chị Nhung vẫn chưa đến ngày sinh. Cũng may người bạn của chị đã can thiệp kịp thời.

Tương tự, chị Phan Thu Thủy, đang có con điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kể lại cuộc hành trình gian nan đi tìm sự sống cho con trai mình: “Con tôi bị rối loạn tủy gần một năm nay. Nghe người ta mách, muốn cháu được điều trị tốt, vợ chồng đã gom góp hết số tiền tiết kiệm và cầm cố cả “sổ đỏ” ngôi nhà 3 tầng ở mặt phố cho ngân hàng lấy tiền chữa bệnh con. Chỉ sau 2 tháng điều trị ở Singapore, gia đình tôi đã tiêu tốn gần hết số tiền mang theo. Phần vì bệnh tình của cháu không thuyên giảm, phần vì điều kiện không cho phép, chúng tôi đành đưa con về điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương”.

Với một số bệnh nhân, đôi khi ra nước ngoài chữa bệnh chỉ bởi họ muốn được hưởng dịch vụ tốt nhất. “Vốn là người bị bệnh tim mạch và huyết áp cao nên tôi không thể chịu được cảnh tượng chen lấn khi đi khám chữa bệnh tại một số bệnh viện bởi phần lớn tại bệnh viện trong nước, bệnh nhân đến khám chữa bệnh thường phải chen nhau chờ đợi, xếp hàng, khi điều trị thì nằm ghép 3, ghép 4 khiến tôi cảm thấy căng thẳng. Dẫu biết kinh phí điều trị ở các bệnh viện nước ngoài cao gấp hàng chục lần và đội ngũ bác sĩ chưa hẳn đã giỏi hơn so với trong nước nhưng ít ra tôi cũng cảm thấy mình được phục vụ tốt nhất…”, bà Vũ Thúy Hương, ở quận Tây Hồ tâm sự.

Cần tìm hiểu kỹ!

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 người bệnh trong nước ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí hơn 1 tỷ USD. Hiện nhiều trang web cũng đăng tin về dịch vụ đưa người ra nước ngoài chữa bệnh trọn gói với quảng cáo khá hấp dẫn. Giá cả dịch vụ tại các bệnh viện này từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn USD. Cụ thể: Chi phí cho mỗi ca ghép thận ở nước ngoài là từ 20.000USD trở lên, có những ca lên tới 50.000 - 100.000USD. Còn trong nước, bệnh nhân chỉ mất khoảng 100 triệu đồng nếu có người hiến tặng thận. Phương pháp nút mạch điều trị khối ung thư có giá gần 20.000 nhân dân tệ (khoảng 60 triệu đồng), trong khi đó ở Việt Nam giá chỉ khoảng 3 - 5 triệu đồng. Một số phòng khám quốc tế còn kinh doanh dịch vụ vận chuyển trọn gói người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh với giá không dưới 50.000USD.

Nếu như trước đây, người bệnh chủ yếu đến Trung Quốc chữa bệnh thì hiện nay họ thường chọn Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan vì cho rằng cơ sở vật chất của các cơ sở y tế tại các nước này tốt hơn. Trong khi đó, các dịch vụ y tế trong nước còn nhiều hạn chế, vấn đề vệ sinh chưa thật sự bảo đảm, nạn tiêu cực phí còn xảy ra khá phổ biến. Một điểm đáng lưu ý là tâm lý người bệnh muốn được chăm sóc chu đáo, tận tình, song tại hầu hết các bệnh viện trong nước, công tác chăm sóc bệnh nhân còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Mặc dù các bệnh viện lớn của nước ta đã có sự tiến bộ vượt bậc với trang thiết bị tương đương, bác sỹ giỏi song các bệnh nhân không nắm được những thông tin này nên mỗi khi có bệnh, họ không biết đến đâu để điều trị. Hơn nữa, các bệnh viện trong nước không có bộ phận marketing chuyên nghiệp để quảng bá hình ảnh, thương hiệu của bệnh viện mình với bệnh nhân.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt -  Đức, BV này đã từng khám chữa bệnh cho khá nhiều trường hợp đi khám chữa bệnh ở nước ngoài nhưng không khỏi bệnh. Điển hình là trường hợp của chị Nguyễn Thị T.T (Hà Nội). Chị T đã sang Singapore thực hiện ca mổ đẻ với chi phí cho đợt điều trị hết gần 100.000USD Singapore (khoảng 1,3 tỷ đồng).

Sau đó chị bị suy thận, được chuyển sang cơ sở y tế chuyên khoa về tiết niệu với chi phí cho ca phẫu thuật là 35.000USD Singapore (khoảng 460 triệu đồng). Sau đó, chị T đã về bệnh viện Việt -Đức, Hà Nội thực hiện phẫu thuật này, nối thành công niệu quản với bàng quang chi phí chỉ 9,3 triệu đồng. Đây cũng là bài học cho những bệnh nhân có điều kiện kinh tế, đi khám chữa bệnh ở nước ngoài khi chưa có hiểu biết đầy đủ về nơi đến khám.

Việc muốn ra nước ngoài chữa bệnh của bệnh nhân không chỉ là tâm lý “sính ngoại” mà một phần là do những hạn chế của các cơ sở y tế trong nước. Để thu hút bệnh nhân, các bệnh viện trong nước cần chú trọng nâng cao trình độ y bác sĩ, đầu tư đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như xây dựng môi trường bệnh viện thân thiện, tư vấn, tiếp đón bệnh nhân chu đáo, làm sao để bệnh nhân biết, bệnh nhân tin và hài lòng khi đến khám chữa bệnh.