Kinh doanh ế ẩm, sinh viên đành phải chờ dịch qua đi
Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, ngày 25/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ra công điện trong đó quyết định tạm dừng nhà hàng, dịch vụ ăn uống tại chỗ, cửa hàng cắt tóc, gội đầu cho đến khi có thông báo mới. Do hoạt động kinh doanh ế ẩm nên nhiều của hàng đã cắt giảm nhân viên, thậm chí hạ lương để duy trì, khiến cuộc sống sinh hoạt và học tập của nhiều sinh viên không khỏi lao đao.
Ảnh hưởng của dịch bệnh, toàn bộ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội chuyển sang đào tạo trực tuyến. Trong khi nhiều sinh viên lựa chọn về quê học online thì không ít bạn chọn cách ở lại Hà Nội vừa học trực tuyến vừa đi làm thêm để duy trì cuộc sống. Nhưng, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cuộc sống và công việc của không ít bạn trẻ bị đảo lộn, Phương Anh cô sinh viên năm cuối của trường Đại học Văn Hóa Hà Nội cho biết: “Em đi làm part – time cho một công ty sự kiện nhưng dịch bệnh căng thẳng nên các sự kiện lớn nhỏ đều hủy hết. Do không có thêm thu nhập, mấy tháng nay em đều phải nhờ bố mẹ ở quê chu cấp. Em thử tìm các công việc làm thêm online nhưng rất khó, đành đợi dịch qua đi rồi đi làm công việc cũ”.
Trong khi đó, Nguyễn Văn Đạt - sinh viên trường Đại học Xây dựng chia sẻ: “Trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, em đang đi làm thêm tại một nhà hàng lẩu buffet nhưng trong thời gian qua, nhà hàng phải tạm đóng cửa, em cũng bị nghỉ việc. Một mình ở lại Hà Nội, em đã cố gắng đi tìm kiếm công việc khác để làm thêm nhưng khó quá”.
May mắn vì vẫn có việc
Giữa mùa dịch khó khăn, nhiều sinh viên vẫn cố gắng "bám trụ", tìm kiếm việc làm để xoay xở vô số chi phí sinh hoạt khác nhau. Linh San - sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã không lựa chọn về quê mà vẫn kiên trì ở lại Hà Nội vì không thể nghỉ làm. Linh San cho biết: “Dịch bệnh căng thẳng, bố mẹ em cũng gọi điện để giục về nhà. Nhưng về quê cũng chỉ quanh quẩn trong nhà suốt ngày nên em quyết định ở lại Hà Nội để đi làm thêm. Hơn nữa, để duy trì hoạt động, chủ quán giữ lại một số nhân viên và động viên em cố gắng làm việc. Bản thân em cũng muốn làm thêm để giảm bớt gánh nặng tài chính cho bố mẹ”.
Công việc hiện tại của Linh San là làm nhân viên pha chế tại quán cafe, quán chỉ bán mang về nên lượng khách cũng không quá đông. Để ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh, khi làm việc tại quán, Linh San chủ động thực hiện các biện pháp an toàn cho bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, tuân thủ các qui định phòng chống dịch...
Bạn Thùy Linh - sinh viên trường Đại học Văn Hóa Hà Nội cũng chủ động ở lại Hà Nội để làm thêm kiếm thêm thu nhập. “Công việc của em là nhân viên tư vấn sản phẩm, làm theo ca, mỗi ca làm việc 4 tiếng. Do dịch Covid-19 nên chủ cửa hàng đã cắt giảm số lượng nhân viên nên có ca em được kéo dài 5 - 6 tiếng. Số lượng khách hàng mua trực tiếp giảm và cửa hàng kết hợp bán online nên tiền lương của em không bị giảm nhiều. Em vẫn cảm thấy may mắn vì vẫn có công việc để làm trong tình hình dịch bệnh phức tạp như thế này” – Thùy Linh bộc bạch.
Theo báo cáo về thị trường lao động của Tổng cục thống kê, trong quý 1/2021 có gần 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 12.100 người so với cùng kỳ năm trước; tương ứng với 2,42% và tăng 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, riêng với thanh niên, tỷ lệ không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (NEET) lại tăng. Tỷ lệ này là 16,3%, tương đương gần 2 triệu thanh niên, tăng 0,9 điểm phần trăm (tương đương 51.600 người) so với cùng kỳ năm trước.