Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sinh viên hối hả đi tìm phòng trọ, "cháy phòng" cho thuê

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán, sinh viên bắt đầu trở lại trường để học tập sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch Covid-19. Do vậy mà nhiều nhiều khu trọ liên tục “cháy phòng”.

Dãy nhà trọ trên đường Hoàng Quốc Việt.
Dãy nhà trọ trên đường Hoàng Quốc Việt.

Hối hả tìm trọ

Từ khi có lịch trở lại trường vào ngày 28/2, Nguyễn Thu Thuỷ - sinh viên năm 2, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đang ở nhờ phòng của bạn), ngày nào cũng tìm kiếm phòng trọ ở khắp các hội nhóm trên MXH nhưng vẫn không thuê được nhà.

“Mỗi ngày em đều lên mạng tìm kiếm người cho thuê nhà, phòng trọ nhưng đến giờ vẫn chưa kiếm được. Khi em gọi điện trực tiếp đa phần người ta kêu hết phòng hoặc họ nói giá... trên trời, trong khi cơ sở vật chất còn chưa tươm tất...”- em Thuỷ tâm sự.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đang trong tình cảnh tìm kiếm phòng trọ mới. Có thể thấy, từ khi các trường đại học lên kế hoạch đón sinh viên trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chuẩn bị cơ sở vật chất với đầy đủ phương án phòng dịch Covid-19, thì thị trường phòng trọ cho thuê sôi nổi hẳn.

Phạm Khánh Vân - sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Em lường trước được việc trường mình sẽ tổ chức đi học lại nên đã chủ động đi thuê nhà từ trước Tết. Nhưng cơ sở vật chất và đồ đạc ở đó cũng không tương xứng với giá thành. Dù đã đi tìm trọ ở Hà Nội nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên em thấy khó khăn như vậy. Chủ nhà khó tính, làm khó sinh viên mà giá cho thuê thì bị đẩy lên cao hơn so với mọi năm.”

Trên nhiều hội nhóm nhà trọ sinh viên, những ngày sau Tết có hàng trăm câu hỏi tìm nhà trọ tốt, gần trường. Nhà ở cho sinh viên thường có ba nguồn chính: Các dãy trọ gần trường; nhà người quen, căn hộ cho thuê; ký túc xá. Nắm bắt nhu cầu của sinh viên, nhiều trường như Đại học Thủy lợi dành một không gian trên fanpage chính thức cho sinh viên và chủ trọ chia sẻ và tìm kiếm thông tin, thu hút hàng ngàn bình luận chỉ trong ít ngày.

Chủ trọ “cháy phòng”

Gần các trường Đại học Điện lực, Cao đẳng Du lịch, Cao đẳng Ngoại ngữ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội…, trước đây, khu nhà trọ của anh Nguyễn Văn Toàn trên đường Hoàng Quốc Việt thường xuyên kín khách. Nhưng trong đợt cao điểm giãn cách xã hội 2021, anh Toàn sững sờ khi lần đầu chứng kiến lượng khách thuê giảm sâu trong hơn 10 năm kinh doanh dịch vụ thuê phòng trọ.

Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, anh Toàn phải nghe điện thoại liên tục do lượng sinh viên hỏi thuê tăng cao, 90% phòng khu trọ đã được đặt cọc, đang chờ sinh viên từ quê lên ở.

Nhà trọ cho sinh viên tại các khu vực như Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám... có mức giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.
Nhà trọ cho sinh viên tại các khu vực như Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám... có mức giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.

“Ngay từ trong Tết, ngày nào cũng có điện thoại gọi đến hỏi thuê phòng. Cho đến hiện tại khu trọ của tôi đã gần đầy. Sinh viên sắp đi học trở lại, những người cho thuê phòng như tôi cũng cảm thấy phấn khởi, vì ít nhiều có thể bù lại những đợt giãn cách xã hội, sinh viên trở về quê hết” -anh Toàn chia sẻ.

Tương tự, bà Phạm Thị Yên có 6 phòng trọ cho thuê trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) không khỏi vui mừng khi sinh viên được trở lại trường học. “Đợt dịch vừa qua không có người thuê, mọi thứ trở nên vắng vẻ, hiu quạnh. Nghe tin sinh viên bắt đầu đi học trở lại, khu trọ này sẽ lại trở về không khí vui vẻ, nhiều tiếng nói tiếng cười" - bà Yên nói.

Sinh viên trở lại trường đã làm nỗi lo về “cơm áo gạo tiền” của các chủ phòng trọ phần nào được giải quyết. Tất cả mọi người đều hy vọng dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, cuộc sống sẽ quay trở lại như trước đây.

Các sinh viên mong muốn trường học sẽ có những giải pháp hỗ trợ việc tìm kiếm phòng trọ trong đợt cao điểm; hoặc có những phương pháp thuê nhà trọ dễ dàng mà vẫn đảm bảo an toàn. Tránh được những rủi ro được cho là những nỗi “ám ảnh” với sinh viên khi đi thuê trọ ở Hà Nội như cơ sở vật chất, giá thành, an ninh,…

 

Theo Bộ GD&ĐT, đến nay, 100% cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp cho sinh viên bắt đầu từ tháng 2/2021. Công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, vừa tổ chức đào tạo hiệu quả đã được các cơ sở khẩn trương thực hiện.