Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sinh viên làm shipper, nên hay không?

Khánh Ly - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhân viên giao hàng (shipper) là công việc được nhiều sinh viên lựa chọn để vừa có kinh nghiệm vừa kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, việc quá mải mê với công việc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập của sinh viên.

Thêm thu nhập trang trải cuộc sống

Với mong muốn có thu nhập để trang trải cuộc sống, ngay từ năm học thứ hai, Nguyễn Việt Anh (quê Nam Định) ngành Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã đi làm shipper giao đồ ăn cho sàn thương mại điện tử Shopee.

Đến nay, nam sinh viên đã có hơn 1 năm kinh nghiệm đi giao hàng. Việt Anh chia sẻ: “Khi học năm thứ nhất đại học, tôi làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng tiện lợi. Công việc làm theo ca cố định trong khi lịch học ở trường có hôm buổi sáng, hôm buổi chiều nên tôi đã chuyển sang đi giao hàng để chủ động về thời gian”.

Sinh viên đi làm shipper vừa có kinh nghiệm vừa kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ảnh: Khánh Ly
Sinh viên đi làm shipper vừa có kinh nghiệm vừa kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ảnh: Khánh Ly

Khi làm shipper, mỗi đơn hàng giao tới khách thành công, Việt Anh được 13.500 đồng; thu nhập cả tháng được từ 2,5 – 3 triệu đồng. Ngoài ra, Việt Anh còn nhận chỉnh sửa video, ảnh chụp cho một công ty xây dựng. Làm hai công việc cùng lúc đã giúp cho nam sinh viên năm thứ ba có tổng thu nhập 6 triệu đồng/tháng, đủ chi phí ăn uống và học thêm tiếng Anh. Tuy nhiên, có những hôm Việt Anh giao nhiều đơn hàng nên khi về phòng trọ mệt quá đã ngủ quên, bỏ mất buổi học. Nhiều lần như thế, nam sinh viên bỏ lỡ buổi thi môn tiếng Anh ở trường và phải đóng tiền học lại.

Đối với Trần Võ Hoàng (20 tuổi, Thái Nguyên) - sinh viên năm 3, ngành Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Bách khoa Việt Nam, công việc giao hàng cho hãng Be như một cơ hội kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống. Một tuần Hoàng đi làm shipper 5 ngày, mỗi ngày làm từ 3,5 - 4 tiếng vì phụ thuộc vào thời tiết. Với thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày, tổng cộng một tháng được 4,5 - 5 triệu đồng, Hoàng dùng để trả phòng trọ, mua đồ ăn, quần áo, giáo trình...

Nam sinh Võ Hoàng chia sẻ: “Từ năm học đại học thứ hai, tôi đã sắp xếp lịch học để đi giao hàng với mong muốn có thêm thu nhập. Tôi đặt ra mục tiêu mỗi ngày phải hoàn thành bao nhiêu đơn hàng. Khi khách yêu cầu giao nhanh, tôi phải gấp rút chở hàng tới. Có lần, trời mưa to, tôi phóng xe nhanh cho kịp đơn hàng nên bị ngã nhưng may mắn chỉ bị thương ngoài da”.

Từ công việc shipper giúp Võ Hoàng đủ chi phí cho cuộc sống sinh viên và tiết kiệm được một khoản. Nhưng do nhận giao nhiều đơn hàng, khi về phòng trọ, quá mệt mỏi nên Hoàng không còn tâm trí và sức lực để tập trung học tập. Hiện tại, Hoàng đã giảm thời gian đi giao hàng còn 3 tiếng/ngày để tập trung cho việc học và thực tập tốt nghiệp.

Sắp xếp hợp lý giữa việc học và đi làm thêm

Trong thời đại hiện nay, việc sinh viên đi làm thêm đã trở thành một xu hướng phổ biến, không chỉ giúp trang trải cuộc sống mà còn tích lũy kinh nghiệm quý giá. Sinh viên làm shipper có mức thu nhập khá ổn định, giúp nâng cao kỹ năng của bản thân (kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, quản trị rủi ro, quản lý thời gian...). Tuy nhiên, nếu sinh viên không biết sắp xếp công việc hợp lý sẽ ảnh hưởng đến việc học ở trường.

Nếu sinh viên biết cân bằng giữa học tập và làm thêm thì có thể trưởng thành, tự tin hơn. Ảnh minh họa: Khánh Ly
Nếu sinh viên biết cân bằng giữa học tập và làm thêm thì có thể trưởng thành, tự tin hơn. Ảnh minh họa: Khánh Ly

Trao đổi về nội dung sinh viên đi làm shipper, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, công việc này giúp các em có thêm thu nhập và một chút kinh nghiệm sống nhưng không thực sự hỗ trợ cho việc học.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, năm học thứ nhất không phải là thời điểm thích hợp để sinh viên đi làm shipper, bởi đây là giai đoạn các em cần ổn định tâm lý và tập trung vào việc học để tạo nền tảng vững chắc cho những năm học sau. Việc đi làm thêm của sinh viên nên bắt đầu từ năm học thứ hai để có sự trải nghiệm và trang bị những kỹ năng cho bản thân.

Hiện nay, áp lực học phí đại học tăng dần theo lộ trình từng năm khiến nhiều sinh viên lựa chọn đi làm để phụ giúp gia đình lo chi phí học tập và sinh hoạt. Để sinh viên đi làm thêm mang lại thu nhập cũng như giúp ích cho việc học, TS Hoàng Ngọc Vinh đưa ra lời khuyên: “Sinh viên năm học thứ ba nên làm thêm công việc liên quan đến ngành học, để khi tốt nghiệp ra trường đi phỏng vấn xin việc sẽ có lợi thế. Mỗi tuần, sinh viên chỉ nên làm thêm 15 – 16 tiếng, nếu làm nhiều quá sẽ có hại cho sức khỏe cũng như học tập. Các nhà trường nên có phòng quan hệ doanh nghiệp để liên hệ với các công ty, đơn vị để hỗ trợ sinh viên tìm chỗ làm thêm phù hợp với ngành học mà vẫn đảm bảo việc học tập ở trường”.

Theo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, nếu sinh viên biết cân bằng giữa học tập và làm thêm thì có thể trưởng thành, tự tin hơn. Tuy nhiên, công việc làm thêm chỉ nên là một phần trong quá trình phát triển cá nhân khi đang theo học tại trường cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, các em cần ưu tiên tham gia hoạt động học và thực tập để nâng cao kiến thức, kỹ năng để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.