Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, đây cũng là một lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Thường thì dịp nghỉ hè, SV có nhu cầu tìm việc rất lớn, nhưng hoạt động tại sàn giao dịch của Trung tâm sáng 14/6 lại khá trầm lắng, thưa bà? - Chúng tôi tổ chức phiên giao dịch việc làm này có sự tham gia của 31 đơn vị với hơn 700 chỉ tiêu tuyển dụng. Các đầu công việc tập trung vào thương mại dịch vụ như: Chăm sóc khách hàng; phục vụ nhà hàng, khách sạn; kế toán. Đặc biệt, làm trong siêu thị ở vị trí thu ngân, bán hàng, chăm sóc khách hàng được tuyển dụng nhiều, phù hợp với SV, kể cả những SV đã học xong vẫn có các công việc toàn thời gian phù hợp. Trước khi tổ chức phiên giao dịch này, Trung tâm đã chủ động tuyên truyền mạnh trên truyền thông, đến các trường đại học, cao đẳng tư vấn cho SV. Tuy nhiên, số lượng ứng viên đến không như chúng tôi mong muốn. Có thể một số không muốn đi làm thêm, lại có những em về quê thăm bố mẹ và người thân sau thời gian đi học. Thêm vào đó, thời tiết đang nắng nóng, các bạn ngại ra đường và có tâm lý năm nay không đi làm vẫn còn cơ hội năm sau. Tôi cho rằng, SV không đi làm thêm là một trong những lý do dẫn đến tình trạng hiện nay có đến gần 200.000 lao động có trình độ ĐH trở lên không tìm được việc. Việc làm thêm thời vụ hay bán thời gian giúp ích gì cho SV? - Khảo sát của chúng tôi tại các phiên giao dịch cho thấy, hiện nay, các DN tuyển dụng đều đánh giá cao những ứng viên có kinh nghiệm. Mở phiên giao dịch này, chúng tôi muốn tạo cơ hội làm thêm cho SV dù chỉ ít ngày, nhưng đó sẽ là trải nghiệm cho các em sau tốt nghiệp dễ tìm việc. Các đơn vị tuyển dụng có yêu cầu thế nào đối với ứng viên đến tuyển dụng làm việc thời vụ, bán thời gian? - Yêu cầu đối với SV đi làm thêm đa dạng với từng công việc. Em nào sắp xếp tài liệu trong kho thì chỉ cần tỉ mỉ, cẩn thận để tránh nhầm lẫn và soạn thảo văn bản tốt. Đối với những em làm giới thiệu sản phẩm thì phải có ngoại hình, tác phong nhanh nhẹn, tươi tắn... Không thể nói yêu cầu công việc làm thêm thấp hay cao, mà tùy theo từng vị trí công việc, mức lương. Nhưng mức lương tối thiểu là 3,5 triệu đồng/tháng, chưa kể hỗ trợ tiền điện thoại, xăng xe, tăng ca… Khi tuyên truyền và tư vấn cho SV, chúng tôi nhấn mạnh tích lũy kinh nghiệm để sau này xin việc. Chúng tôi lưu ý các em dù chỉ đi làm thêm 1, 2 hay 3 tháng, vẫn nên đưa thông tin vào hồ sơ xin việc. Bởi các đơn vị tuyển dụng đánh giá rất cao kinh nghiệm làm việc của ứng viên, cho dù làm thêm trái nghề. Cơ bản là họ thấy được sự trải nghiệm trong cuộc sống, giao tiếp với khách hàng. Kỳ nghỉ hè 2016 của SV đã bắt đầu. Có thể sau phiên giao dịch này, sẽ có nhiều SV tham gia vào thị trường lao động. Bà có lời khuyên gì cho các bạn khi chọn công việc để làm thêm? - SV có nguyện vọng đi làm thêm là rất quý. Nếu các bạn tìm được việc tương ứng với ngành mình đang được đào tạo sẽ giúp bổ sung kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn khi ra trường làm đúng nghề. Nhưng số ngành nghề không nhiều đến mức có thể đáp ứng được yêu cầu của SV, nên dù làm thêm trái ngành học cũng vẫn tốt, quan trọng là các em được trải nghiệm, biết cách làm việc, yêu cầu của DN, môi trường làm việc. Các em cũng có cơ hội làm việc độc lập, theo nhóm với áp lực thời gian của DN. Từ đó sẽ có kế hoạch quản lý thời gian cũng như cách giải quyết vấn đề trong công việc và học tập. Theo nhìn nhận của bà, thời gian tới, những nghề nào sẽ cần nhiều nhân lực phù hợp cho SV làm thêm? - Theo tổng hợp của chúng tôi, ngành dịch vụ thương mại vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, cụ thể là kinh doanh, marketing, kỹ thuật điện, điện lạnh... Xin cảm ơn bà!