Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sinh viên tất bật đi làm thêm kiếm tiền dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, thay vì về nhà sum họp sớm với gia đình, nhiều sinh viên quyết định ở lại Hà Nội tất bật đi làm thêm để có khoản tiền mua sắm Tết, đóng học phí và trang bị kỹ năng cho bản thân.

Lương cao, việc hấp dẫn

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 là cơ hội để nhiều sinh viên các trường cao đẳng (CĐ) trên địa bàn TP Hà Nội đi làm thêm. Bán hàng, thu ngân, giao hàng… là những công việc được nhiều sinh viên lựa chọn bởi dịp này các siêu thị, cửa hàng, quán cà phê đang rất cần nhiều chỉ tiêu. Vì cần nhiều người làm nên các DN sẵn sàng trả lương cao hơn những ngày, tháng trước đó từ 1 đến hơn 1 triệu đồng/tháng, cộng với các chế độ nên rất hấp dẫn sinh viên đi làm thêm.

Em Dương Hồng Hạnh - Sinh viên trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đang làm thêm công việc thu ngân tại một siêu thị. 
Em Dương Hồng Hạnh - Sinh viên trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đang làm thêm công việc thu ngân tại một siêu thị. 

Đơn cử, dịp Tết này, trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội có nhiều sinh viên đi làm thêm. Cô Trần Thùy Linh – Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh, khoa Kinh doanh thương mại, trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội thông tin: Dịp Tết này, 100% sinh viên ngành Quản trị kinh doanh đi làm thêm. Thậm chí tất cả 180 tân sinh viên (năm nhất) cũng đi làm thêm những công việc liên quan trực tiếp đến ngành học.

Dương Hồng Hạnh là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội đang làm thu ngân ở một siêu thị chia sẻ: Em được nhà trường giới thiệu đi làm thêm tại Siêu thị Big C Mê Linh, từ ngày 20/12/2022. Mỗi ngày em làm 8 tiếng, theo ca sáng, chiều với mức lương tháng 6 triệu đồng. Với khoản tiền này, em sẽ dùng để mua sắm Tết cho gia đình, chi cho bản thân.

Em Phùng Thị Thanh Huyền là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm và tư vấn cho khách hàng mua đồ Tết. 
Em Phùng Thị Thanh Huyền là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm và tư vấn cho khách hàng mua đồ Tết. 

Trong khi đó, em Phùng Thị Thanh Huyền là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội đăng ký đi bán hàng tại Công ty TNHH Mega Việt Nam, Chi nhánh siêu thị MM Mega market. “Em bán hàng giỏ quà Tết ở siêu thị ca 8 tiếng/ngày được trả 225.000 đồng và hỗ trợ 25.000 đồng ăn trưa. Từ đầu tuần đến nay, lượng khách đến siêu thị ngày càng đông hơn nên em thường tư vấn cho khách mua hàng, lấy đồ cho khách. Em đi làm thêm dịp Tết một phần là để kiếm thêm thu nhập và cũng muốn trải nghiệm công việc liên quan đến ngành mình học và giao tiếp với nhiều người, hiểu được tâm lý khách hàng. Thanh Huyền cho biết có bố mẹ làm công nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc, thu nhập không được nhiều; dự tính số tiền đi làm thêm dịp Tết được 4 – 5 triệu đồng sẽ dùng để mua sắm quần áo Tết, đưa cho mẹ và em gái, còn lại để đóng tiền nhà trọ.

Trải nghiệm công việc thực tế từ ngành học

Những ngày này, khi nhiều người đang đi mua sắm Tết thì nhiều sinh viên vẫn miệt mài với công việc gắn với việc học. Hoàng Văn Hiệp là sinh viên năm thứ ba khoa Thiết kế đồ họa trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội coi việc đi làm thêm là bình thường. Hiệp đang làm công việc thiết kế ở Công ty Kính mắt Tâm An Mỹ có địa chỉ ở phố Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. “Em làm cho công ty này được 2 tháng, dự tính đến ngày 28 hoặc 29 âm lịch sẽ nghỉ Tết. Thu nhập ăn theo sản phẩm, trung bình mỗi tháng 3 triệu đồng. Công việc này không quá vất vả, lại liên quan đến ngành học nên em được trải nghiệm thực tế nhiều hơn” – Văn Hiệp cho hay và bật mí: Từ năm học thứ hai, em đã chủ động đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Vì thế, với số tiền làm thêm 6 triệu đồng, Hiệp sẽ dùng để đóng học phí sau kỳ nghỉ Tết.

Hoàng Văn Hiệp là sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội dang thiết kế đồ họa, coi làm thêm dịp Tết là bình thường bởi giúp em có khoản chi phí đóng học và chủ động trong cuộc sống. 
Hoàng Văn Hiệp là sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội dang thiết kế đồ họa, coi làm thêm dịp Tết là bình thường bởi giúp em có khoản chi phí đóng học và chủ động trong cuộc sống. 

Dịp Tết là cơ hội để đi làm kiếm được nhiều tiền nên có những sinh viên đã tất bật làm một lúc tới 2, thậm chí 3 công việc. Đơn cử như em Vũ Thị Thanh Nhàn là sinh viên năm hai lớp Đồ họa 1, trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội đang làm thêm cho 1 quán cà phê mỗi ngày 5 tiếng, từ 18h đến 23h, được trả lương 30.000 đồng/h. Với khuôn mặt xinh đẹp, cô sinh viên đến từ Thanh Hóa còn nhận làm người mẫu chụp ảnh các sản phẩm kính cho một nhãn hàng. “Tuần sau, em sẽ đi vẽ mặt bằng 2D về bất động sản cho một công ty ở phố Hai Bà Trưng đến ngày 29 lịch dưới mới về quê đón Tết cùng gia đình. Em làm ở quán cà phê hơn 3 tháng, nếu tính cả tiền thưởng Tết sẽ được 13 triệu đồng để đóng học phí, trả tiền nhà trọ, mua quà Tết và mang về quê biếu bố mẹ” – Thanh Nhàn cho hay.

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, em Vũ Thị Thanh Nhàn làm thêm 3 công việc: Nhân viên quán cà phê, người mẫu chụp ảnh kính, vẽ mặt bằng 2D về bất động sản.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, em Vũ Thị Thanh Nhàn làm thêm 3 công việc: Nhân viên quán cà phê, người mẫu chụp ảnh kính, vẽ mặt bằng 2D về bất động sản.

Cô Nguyễn Thanh Xuân – Phó Khoa Công nghệ thông tin kiêm Trưởng ban Truyền thông trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho hay, bây giờ nhiều sinh viên có xu hướng đi làm thêm Tết, trừ những em ở tỉnh xa. Hơn nữa, sau Tết Nguyên đán là đến lịch sinh viên đóng học phí kỳ tiếp cho nên các em muốn đi làm thêm để có tiền dùng cho việc này và mua sắm Tết. Đi làm thêm dịp Tết theo đúng ngành học là lợi thế cho sinh viên được trải nghiệm thực tiễn lại có thu nhập cao. Kể cả những em làm công việc không đúng ngành lại có hội được trang bị kỹ năng sống và có tiền mua đồ dùng học, đóng học phí…

Để tạo điều kiện cho sinh viên đi làm thêm dịp Tết, đã có trường đã chủ động liên hệ với DN, siêu thị, nhà hàng… để giới thiệu các em đến. Qua đó, các em tìm hiểu được mô hình DN vận hành, hoạt động của nhân viên từng bộ phận, nghiệp vụ gắn với người lao động đó. “Trong quá trình sinh viên đi làm thêm sẽ được giáo viên hỗ trợ, kiểm tra giám sát. Thông qua việc làm thêm đó, từng sinh viên xác định mình thu thập được thông tin kiến thức gì và cần bổ sung ra sao khi học tập ở trường, để sau này tốt nghiệp sẽ nhanh chóng thích nghi với công việc” – cô Thùy Linh cho hay.

 

Trước đó, ngày 4/1/2023, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Phiên giao dịch việc làm chuyên đề Việc làm bán thời gian. Phiên giao dịch việc làm có sự góp mặt của 40  đơn vị đăng ký tham gia với tổng nhu cầu tuyển dụng là 1.966 chỉ tiêu, với đa dạng các vị trí, ngành nghề cùng mức lương hấp dẫn.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: Đây là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động. Đây chính là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động để từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kỹ năng và kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động của thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao.