Hướng dẫn sinh viên nghề sửa chữa điện tử tại trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Vẫn “cầm tay chỉ việc”
Đến năm 2020, có 90% HS, SV được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, là mục tiêu được đặt ra trong “Đề án Hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 10/2017. Tuy nhiên, đến nay nhiều SV GDNN chưa hình dung ra startup hoặc nghĩ KN rất khó, không dành cho mình. Tại hội thảo khoa học Xây dựng và phát triển mô hình KN đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDNN do trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghệ cao Hà Nội phối hợp tổ chức, nhóm tác giả đến từ trường CĐ Xây dựng số 1 nhận định: SV chưa đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của xã hội và Chính phủ về hỗ trợ KN. Chuẩn đầu ra của nhiều nghề hiện nay chưa đề cập đến năng lực KN. Các phương pháp đào tạo chưa khuyến khích những hoạt động KN, nhất là khi vẫn còn tình trạng “cầm tay chỉ việc”.
Từ thực tiễn đào tạo, Hiệu trưởng trường CĐ Công Thương Hải Dương Dương Trung Kiên khẳng định, hầu hết các hoạt động đổi mới sáng tạo KN tại các cơ sở GDNN còn hạn chế về mô hình tổ chức; nhận thức của SV, giảng viên và nhà trường chưa cao. Sự hỗ trợ của các bên liên quan chưa tốt, đặc biệt là phối hợp giữa DN và nhà trường. Mặt khác, mô hình truyền thống của hầu hết các trường CĐ hiện nay là truyền nghề, dạy nghề nên HS, SV chỉ tiếp nhận kỹ năng nghề một cách thụ động. Vì thế, các cơ sở GDNN cần thay đổi tư duy giảng dạy, chuyển từ dạy nghề sang dạy KN, sáng tạo.
Tín hiệu vui từ Câu lạc bộ sáng tạo khởi nghiệp
Để cải thiện tình hình, nhiều ý kiến đề nghị bên cạnh việc rà soát, cập nhật chuẩn đầu ra ngành nghề đào tạo, phương pháp đào tạo của trường nghề hướng tới KN phải tăng cường tính sáng tạo, mong muốn thực hiện ý tưởng, chấp nhận rủi ro và đem tới những kiến thức và kỹ năng quản lý DN cho người học. Các trường nghề xây dựng môn học KN và trở thành bắt buộc đối với SV mọi ngành nghề. Nhằm đảm bảo mang lại trải nghiệm startup như thực tế, nhóm tác giả trường CĐ Xây dựng số 1 khuyến nghị phương pháp đào tạo đổi mới phải gần với việc thành lập, điều hành DN ở quy mô sơ khai và gắn với ngành nghề đào tạo của nhà trường.
Một tín hiệu vui khi hiện nay, mô hình KN đang được khơi dậy ở một số cơ sở GDNN. Không ít trường CĐ đã xây dựng mô hình “Câu lạc bộ sáng tạo KN” với mong muốn hỗ trợ tích cực cho cán bộ, giáo viên, HS, SV thực hiện ý tưởng KN. Phó Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội - HNIVC Nguyễn Văn Huy thông tin: Với sự hỗ trợ của DN, SV “Câu lạc bộ KN đổi mới sáng tạo HNIVC” được thực hành đúng chuyên ngành đào tạo, có các kiến thức về KN, kinh doanh, kỹ năng mềm. Ngoài ra, DN hỗ trợ SV những khóa học sơ cấp theo chuyên ngành. Đặc biệt, sau khóa học SV có được những kiến thức, kỹ năng về KN đổi mới sáng tạo, biết cách khởi sự DN cho mình.
Còn tại trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội (HHT), hoạt động KN và KN đổi mới sáng tạo được tổ chức thường niên trong 4 năm qua đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia mạnh mẽ trong đội ngũ giảng viên và SV. TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi năm cuộc thi “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp HHT” được nhà trường tổ chức thường niên có 50 – 60 sản phẩm tham dự. Tuy nhiên, nhìn chung số sản phẩm tham gia mới ở mức phong trào và chưa thực sự hiệu quả về mặt công nghệ do thiếu tư vấn của chuyên gia và nhà khoa học; thiếu vốn; thiếu kinh nghiệm kinh doanh; thiếu thông tin. Để thúc đẩy hoạt động KN và KN đổi mới sáng tạo, ngày 17/10/2019, trường HHT đã thành lập Trung tâm STEM tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng về nghiên cứu khoa học và KN cho HS, SV. Đồng thời tổ chức các cuộc thi, triển lãm khoa học sáng tạo, nghiên cứu chế tạo và thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo khoa học công nghệ cho HS, SV của trường...
Khởi nghiệp đối với HS, SV càng khó khăn hơn khi không có nguồn vốn. Kỹ năng và kinh nghiệm về hạch toán, quản lý tài chính, nghiên cứu thị trường... của SV cũng còn hạn chế. Phó Hiệu trưởng trường CĐ Xây dựng Nam Định Phạm Đức Cương |