Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sinh viên Việt Nam khẳng định bản lĩnh khoa học tại sân chơi học thuật

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/6, tại Học viện Tài chính đã diễn ra chung khảo Hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” lần thứ IX với sự tham gia của 12 đội thi xuất sắc đến từ các trường đại học, học viện trên toàn quốc.

Hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” (OLP KTL) là một sân chơi học thuật nghiên cứu khoa học ứng dụng định lượng của sinh viên Việt Nam trên toàn cầu, do Học viện Tài chính phối hợp TƯ Hội sinh viên Việt Nam, Viện Toán học tổ chức.

Hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” do Học viện Tài chính phối hợp TƯ Hội sinh viên Việt Nam, Viện Toán học tổ chức.
Hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” do Học viện Tài chính phối hợp TƯ Hội sinh viên Việt Nam, Viện Toán học tổ chức.

Được diễn ra hàng năm, hội thi nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình toán học, mô hình kinh tế lượng, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo,… trong nghiên cứu khoa học của sinh viên Việt Nam.

Hội thi năm nay có 266 đề tài của 21 trường đại học, học viện trên toàn quốc, tăng 64% so với năm 2023; tiêu biểu như: Trường ĐH Thương mại; Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Được khởi động từ tháng 12/2023, Hội đồng giám khảo là những nhà khoa học uy tín đã chọn 12 đội xuất sắc nhất tham dự vòng chung khảo.

2 năm nay, thể lệ hội thi thay đổi và đối tượng tham gia không phải sinh viên năm cuối. Điều này góp phần thúc đẩy sinh viên đến với nghiên cứu khoa học sớm hơn.

Theo TS Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, thành viên ban giám khảo: "Đây là hội thi có truyền thống cho sinh viên các khối trường kinh tế với hàm lượng khoa học rất tốt". 
Theo TS Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, thành viên ban giám khảo: "Đây là hội thi có truyền thống cho sinh viên các khối trường kinh tế với hàm lượng khoa học rất tốt". 

Qua đánh giá của ban giám khảo ở vòng loại, các đề tài tham gia năm nay tốt hơn, đa dạng hơn, tỷ lệ sinh viên năm thứ hai tham gia rất cao, cá biệt có sinh viên năm nhất. Các nghiên cứu đi vào những vấn đề thời sự, phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, kỹ năng trình bày bài nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, các dữ liệu có nguồn gốc đa dạng, tin cậy… Điều này khẳng định hội thi là sân chơi học thuật, là môi trường để sinh viên Việt Nam được trải qua những thách thức và khẳng định bản lĩnh khoa học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Sau mỗi hội thi, nhiều sản phẩm nghiên cứu đã được hoàn thiện và công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, nhiều cựu sinh viên được nhận học bổng toàn phần làm thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường uy tín trong và ngoài nước.

12 đội xuất sắc nhất tham dự vòng chung khảo có kỹ năng trình bày bài nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.
12 đội xuất sắc nhất tham dự vòng chung khảo có kỹ năng trình bày bài nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.

Phát biểu tại hội thi, NGND. GS. TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính đánh giá cao ý chí, tình yêu khoa học và niềm đam mê của sinh viên dành cho nghiên cứu định lượng; đồng thời, hy vọng các em tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu và đam mê nghiên cứu khoa học, không ngừng tìm tòi để sau này có thể đưa phương pháp nghiên cứu khoa học, sử dụng định lượng, đóng góp tốt hơn vào các lĩnh vực, ngành nghề công tác của mình.

Từng tham gia Hội đồng giám khảo của hội thi 9 năm qua, TS Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khẳng định: "Đây là hội thi có truyền thống cho sinh viên các khối trường kinh tế với hàm lượng khoa học rất tốt. Qua các năm, có những bài nghiên cứu khoa học đạt chất lượng tốt, có thể xuất bản ở kỷ yếu hội nghị hoặc tạp chí chuyên ngành kinh tế - tài chính. Đó là những điểm sáng trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các trường đại học khối kinh tế mà hội thi đã tìm tòi, tôn vinh được; giúp lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học và học tập nghiêm túc trong sinh viên...".