Ủy viên phụ trách kinh tế và chính sách tiền tệ của Liên minh châu Âu (EU), Olli Rehn ngày 13/5 cảnh báo Slovenia có thể trở thành nước thứ 6 trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải cầu viện cứu trợ quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị bộ trưởng Tài chính Eurozone ở Brussels (Bỉ), ông Olli Rehn nói "Vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu các chương trình của Chính phủ Slovenia có mang lại kết quả như mong đợi hay không."
Dự kiến, ngày 29/5, EU sẽ xem xét các bước đi tiếp theo liên quan đến Slovenia.
Ngày 1/5, Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's đã hạ hai bậc xếp hạng tín nhiệm của Slovenia từ Baa2 xuống Ba1, vốn được coi là mức "rác," do kinh tế trì trệ, hệ thống ngân hàng và các hoạt động tài chính công của nước này ngày càng trở nên yếu kém.
Những người biểu tình xuống đường tuần hành tại Thủ đô Ljubljana ngày 23/1 để phản đối các chính sách của chính phủ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Dự kiến, Ljubljana sẽ bơm tới 1,3 tỷ euro (tương đương 1,7 tỷ USD, bằng 3,7 % tổng sản phẩm quốc nội GDP) cho các ngân hàng đang gặp khó khăn về tài chính. Thủ tướng Alenka Bratusek ngày 9/5 cũng cho biết thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2013 có thể chiếm tới 7,8 % GDP, vượt quá mức trần 3% do EU quy định.
Tình trạng thâm hụt tài chính công của Slovenia và mối liên hệ với các ngân hàng nước này khiến dư luận liên tưởng tới trường hợp Cộng hòa Síp. Trong những tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng quốc gia này có thể là thành viên tiếp theo của Eurozone phải cầu viện gói cứu trợ tnước ngoài.
Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế lại đưa ra đánh giá lạc quan rằng Malta, quốc đảo cùng nằm ở Địa Trung Hải giống Síp, sẽ không phải xin cứu trợ như trường hợp Síp.
Khẳng định này trái với lo ngại trước đó của giới đầu tư, cho rằng quốc gia EU này có thể phải xin cứu trợ nước ngoài để "sống sót" qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở khu vực.
Uỷ ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế của quốc đảo nhỏ với chỉ 450.000 dân này sẽ tăng trưởng trong năm nay và năm 2014, nhờ tăng nhu cầu tiêu thụ trong nước và kim ngạch xuất khẩu ròng.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của Malta chỉ ở mức 6,4%, bằng một nửa so với tỷ lệ thất nghiệp trong Eurozone; nợ công tính theo tỷ lệ GDP là 72%, thấp hơn mức trung bình trong Eurozone.
Xét trên những rủi ro về ngân hàng và tình hình kinh tế, các chuyên gia cho rằng đảo quốc này khó có khả năng trở thành thành viên tiếp theo trong Eurozone, sau Cộng hòa Síp, Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, phải cầu viện cứu trợ từ nước ngoài./.