Số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục, Bắc Giang phải chuẩn bị kịch bản đối phó

Trà Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến sáng nay (16/5), Bắc Giang đã trở thành địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước trong đợt bùng dịch này (314 ca). Trong 7-10 ngày tới, Bắc Giang sẽ bước vào thời điểm dịch phát triển mạnh, số bệnh nhân sẽ tăng nhanh. Do đó, địa phương phải sẵn sàng kịch bản ứng phó.

Ổ dịch phức tạp, tốc độ lây lan nhanh

Ngay trong đêm 15/5, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã có mặt và làm việc với tỉnh Bắc Giang sau khi địa phương này ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục trong ngày. Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh, Bắc Giang là tỉnh ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục trong ngày (109 trường hợp). Tính đến 20h ngày 15/5 Bắc Giang ghi nhận 206 ca mắc Covid-19.
 Bộ Y tế làm việc với tỉnh Bắc Giang ngay trong đêm 15/5

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến 20h ngày 15/5 Bắc Giang ghi nhận 206 ca mắc Covid-19. Hiện Bắc Giang có 3 vùng dịch. Tuy nhiên, vùng dịch ở công ty Hosiden Việt Nam, Khu CN Quang Châu, huyện Việt Yên đang rất phức tạp.

Theo ông Dương, đây là ổ dịch có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp do làm việc trong phòng lạnh, khép kín, trần thấp. Ông Dương cũng cho hay, trước đó, qua test nhanh chiều tối 14/5 phát hiện 12 ca bệnh cùng một phân xưởng số 4. Sau 1 ngày lấy mẫu toàn bộ người lao động, số ca F0 tăng rất nhanh so với ngày đầu tiên, tăng 147 trường hợp. Số ca bệnh phát hiện chiếm tỷ lệ 37,9% trên tổng số mẫu xét nghiệm đã có kết quả.

“Như vậy, tổng cộng từ 14/5 đến chiếu tối 15/5 đã có 159 ca dương tính với SARS- CoV-2, đều là công nhân của phân xưởng, chủ yếu là phân xưởng số 4, có 1 ca của phân xưởng 1 của công ty TNHH Hosiden Việt Nam ” - ông Dương nói.

Để chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng vừa yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh tại TNHH Hosiden Việt Nam.

Đồng thời, công ty phải thông báo cho toàn bộ người lao động của DN cách ly tại nhà và khai báo với cơ quan y tế địa phương, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, kể cả người thân trong gia đình và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch của Trung ương và địa phương.

Chống dịch trong khu công nghiệp phải “đi bằng 2 chân”

PGS.TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thành viên đoàn công tác cho biết, các biện pháp khẩn cấp ngay lúc đầu của địa phương đã cơ bản. Tuy nhiên, theo PGS Dương, dịch diễn biến phức tạp nên không chỉ tập trung chống dịch tại công ty mà quên mất truy vết cộng đồng. Chống dịch trong khu công nghiệp là đồng bộ và “đi bằng 2 chân” vừa khu công nghiệp vừa cộng đồng.
 Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân ở Bắc Giang

Vì thế, Bắc Giang cần phải kích hoạt ngay tổ Covid-19 cộng đồng trong khu dân cư thì mới nắm được tình hình và truy vết được chính xác. Trong khu công nghiệp, nhà máy phải thành lập tổ an toàn Covid-19 tại đây.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho hay, ngoài việc sàng lọc trong khu công nghiệp chúng ta cũng phải sàng lọc ở cơ sở khám chữa bệnh, người nhà, nhân viên y tế để không bỏ lọt. Bởi nếu để lọt trong khu khám chữa bệnh sẽ rất phức tạp. Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cho rằng, ngay lập tức tỉnh phải kích hoạt BV dã chiến số 2 đi vào hoạt động, đưa bệnh nhân Covid-19 nh không có triệu chứng về điều trị. Còn BV đa khoa tỉnh dành những ca bệnh có triệu chứng tương đối nặng sau này.

Chia sẻ tại cuộc họp, TS Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục y tế Dự phòng Bộ Y tế cũng cho biết, mức độ lây nhiễm dịch tại Bắc Giang rất nhanh, lây giữa phân xưởng và công ty với nhau diễn biến dịch phức tạp. TS Tấn cho rằng, ngoài KCN không nên bỏ quên mảng cộng đồng nếu không thì rất nguy

Tránh lây chéo trong khu cách ly

Chia sẻ kinh nghiệm tại cuộc họp, ông Dương Chí Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho rằng, phải đảm bảo an toàn trong khu cách ly, tránh lây chéo. Bắc Giang cần thực hiện giảm mật độ tối đa trong khu cách ly, giảm số người sử dụng chung nhà vệ sinh trong phòng cách ly. Đảm bảo nguyên tắc cán bộ y tế và quân đội chỉ khử khuẩn không gian bên ngoài, còn tại các phòng cách ly phải chuẩn bị cây lau, chậu, hoá chất để người trong phòng tự vệ sinh.
 Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác phòng chống dịch tại thôn Đồng Cống, xã Yên Mỹ , huyện Lạng Giang

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng góp ý, tỉnh dự kiến đưa một khối lượng lớn, nhưng việc đưa đi cách ly tập trung cũng phải tính toán. Trước khi đưa lên xe đi cách ly phải tổ chức sàng lọc những đối tượng có nguy cơ như sốt, ho phải bố trí xe riêng chứ không đưa tất cả cùng một xe được.

PGS Dương cũng cho hay, từ ngày mai phải tổng rà soát các khu dân cư, các ca bệnh ho, sốt đều phải coi là ca bệnh nghi ngờ lấy mẫu bệnh phẩm ngay lập tức.

“Hiện nay, nhu cầu đòi hỏi xét nghiệm nhanh, rộng là rất cần. Nhưng số lượng cần lấy mẫu và số người tham gia lấy mẫu không là gì. Do đó, Bắc Giang phải có phương án tập huấn người để có thể lấy mẫu đáp ứng số lượng lớn nhưng phải chính xác và lâu dài.

Khẩn cấp hỗ trợ Bắc Giang xét nghiệm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế sẽ điều Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đến Bắc Giang để hỗ trợ làm xét nghiệm.

Cũng theo Thứ trưởng, hôm nay, Bộ Y tế đã đưa đến địa phương một đoàn chuyên gia để hỗ trợ Bắc Giang phòng chống dịch, trong đó có lãnh đạo Viện y học lao động, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Cục y tế Dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế , và BV Bạch Mai. Đây là lực lượng nòng cốt sẽ “cắm chốt” tại đây giúp đỡ hỗ trợ Bắc Giang trong công tác truy vết, điều trị, xét nghiệm…

Về chiến lược xét nghiệm cho Bắc Giang nhanh nhất, Thứ trưởng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ có hướng dẫn kỹ lưỡng để việc xét nghiệm làm nhanh, triệt để, tiết kiệm lại hiệu quả.

Tại buổi làm việc 15/5, Bộ Y tế đã mang xuống 4000 test nhanh hỗ trợ Bắc Giang trong thời gian ngắn.

4 việc Bắc Giang cần thực hiện và sẵn sẵn sàng kịch bản ứng phó

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, Bắc Giang có 4 vấn đề cần phải tập trung trong thời gian tới.

Thứ nhất tại KCN: Đây đang là trọng tâm, bên cạnh việc đảm bảo sản xuất tại KCN, đối với vùng đã xác định có dịch tỉnh thực hiện phong toả, cách ly cần lưu ý chúng ta khoanh vùng tốt, cách ly tốt dịch ko lây lan trên diện rộng, phải có biện pháp truy vết kiểm soát, khoanh vùng tốt.
 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp

Thứ hai là trong khu cách ly, bài học của các tỉnh từ Đà Nẵng đến Hải Dương và các địa bàn khác cho thấy nếu tổ chức cách ly dân sự trong tình hình dịch căng thẳng rất khó hiệu quả. Vì thế, Thứ trưởng đề nghị giao cho Ban chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với quân khu sử dụng đơn vị quân đội để tổ chức khu cách ly. Phải có sự giám sát chặt chẽ, lắp camera để giám sát đảm bảo cho khu cách ly an toàn.

Thứ ba là liên quan đến bệnh viện, trong tình hình dịch lan rộng bên cạnh cơ sở y tế hiện hữu chúng ta phải trưng dụng các bệnh viện chuyên khoa làm cơ sở tiếp thu điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, tỉnh đề xuất 4 bệnh viện dã chiến. Bộ Y tế ủng hộ tỉnh. Tuy nhiên Bộ đề xuất, Bắc Giang nên tận dụng cơ sở điều trị và mở rộng quy mô cơ sở đó để điều trị. Ví dụ Bệnh viện Phổi đang có khả năng thư dung 200 người, tỉnh có thể nghiên cứu mở rộng lên quy mô 300, 500 giường để dễ huy động lực lượng. Bởi thực tế, vì nguồn nhân lực có hạn mà phân tán ra nhiều Bệnh viện quá anh em y tế tập huấn cũng căng thẳng, người làm việc cũng không có…

Cuối cùng là cộng đồng, Thứ trưởng khẳng định, cần phải hết sức cảnh giác ca Covid-19 trong cộng đồng. Bởi lẽ, công nhân ngoài ở nhà máy cũng về nhà và tham gia vào sinh hoạt cộng đồng. Do đó cộng đồng bây giờ cần phải cảnh giác và quan trọng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý, khởi động tổ Covid-19 cộng đồng để kiểm tra giám sát của đi từng ngõ gõ từng nhà rà từng đối tượng. Vì đây là lực lượng quan trọng để góp phần truy vết, khoanh vùng dập dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Bắc Giang sẵn sàng với các kịch bản để kịp thời ứng phó với tình hình dịch, kể cả khi dịch lan rộng, bùng phát.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần