Chúc mừng năm mới

Sơ cứu ngộ độc đúng cách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực phẩm bẩn tràn lan, khó kiểm soát đang là mối lo chung của toàn xã hội.

Sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn không chỉ nguy cơ mắc các bệnh mạn tính mà còn có thể bị nhiễm độc cấp tính. Khi bị ngộ độc thực phẩm (NĐTP), sơ cứu đúng cách là vô cùng quan trọng.

Các triệu chứng ngộ độc

Theo Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ NĐTP nghiêm trọng với hơn 1.368 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 4 đã xảy ra 9 vụ NĐTP với 375 người bị ngộ độc. Trong tuần cuối của tháng 4, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai tiếp nhận điều trị cho 10 bệnh nhân bị NĐTP, tăng 4 - 5 lần so với thời gian trước.
Cấp cứu công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cuối năm 2015.
Cấp cứu công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cuối năm 2015.
TS Phạm Duệ – nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, việc dùng phải thức ăn để qua ngày, không được giữ ở nhiệt độ phù hợp hay thức ăn nấu chưa chín có thể dẫn tới ngộ độc. Những triệu chứng phổ biến nhất để nhận biết một ca ngộ độc bao gồm: Chóng mặt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt nóng hoặc sốt rét, khó thở, da tím tái, vã mồ hôi, trụy mạch (mạch nhanh, huyết áp tụt), co giật... Thông thường, khoảng 3 - 4 giờ sau khi sử dụng thực phẩm không an toàn sẽ mắc phải các triệu chứng này. Riêng với ngộ độc cá nóc hay ngộ độc củ ấu tàu, bệnh nhân có cảm giác đầu to ra, lưỡi phồng lên, ngắn lại khiến không nói được. Trong các loại ngộ độc, NĐTP chiếm tỷ lệ cao nhất.

Sơ cứu và phòng tránh

Cũng theo TS Phạm Duệ, xử trí khi bị ngộ độc thức ăn phù hợp sẽ giúp giảm thiểu những di chứng nguy hiểm cho người mắc, đồng thời rút ngắn thời gian điều trị cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.

Trước hết, ngừng tiếp xúc (ngừng ăn) khi phát hiện thức ăn có mùi vị lạ. Nếu người bị ngộ độc thức ăn vẫn tỉnh táo, không có dấu hiệu co giật hay mê sảng thì có thể áp dụng phương pháp kích thích nôn: Có thể tác động cơ học là lấy tay nhấn vào cuống lưỡi tạo ra phản xạ nôn. Nôn sẽ giúp người mắc loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, tránh để chất độc ngấm vào cơ thể. Bên cạnh đó, than hoạt tính là “thần dược” giúp người mắc nhanh chóng thoát khỏi triệu chứng khó chịu do NĐTP. Than hoạt tính sẽ hấp thụ những chất và khí gas thừa gây hại cho lớp màng dạ dày, góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục từ các cơn co rút dạ dày. Liều thông thường cho NĐTP là 1 - 2g than hoạt tính cho 1kg cân nặng, liều cao hơn chỉ dùng trong cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ.

TS Phạm Duệ cho biết thêm, NĐTP thường gây triệu chứng nôn và tiêu chảy, dẫn đến tình trạng mất nước và rối loạn chất điện giải. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên trong điều trị NĐTP là đảm bảo bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể. Bởi nước vừa duy trì hàm lượng chất lỏng trong cơ thể, vừa giúp bài tiết các chất độc và vi khuẩn ra khỏi cơ thể, giúp người mắc nhanh chóng hồi phục. Với trẻ 2 - 10 tuổi, nên cho uống oresol để bù nước và điện giải. Tuy nhiên, với những trẻ càng nôn nhiều thì không nên ép uống vì sẽ làm cho trẻ nôn nhiều hơn và có nguy cơ sặc vào phổi. Vì vậy, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị thích hợp.

Bác sĩ Lê Thị Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho rằng, phòng tránh ngộ độc thức ăn chủ yếu là sự chủ động trong khâu lựa chọn và chế biến thực phẩm. Nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tính an toàn, tươi mới, đảm bảo sơ chế sạch trước khi chế biến. Đối với các loại rau quả, có thể ngâm nước muối để loại bỏ bớt độc tố, thực hiện ăn chín, uống sôi để đảm bảo ATTP...
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm thế giới ghi nhận có 420.000 người chết vì các vấn đề liên quan đến thực phẩm không an toàn. Đó là những thực phẩm chứa chất độc hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các chất hóa học...., là nguyên nhân gây ra hơn 200 loại bệnh tật khác nhau từ tiêu chảy đến bệnh ung thư.