Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số F0 tăng nhanh, hơn 7.000 bệnh nhân nặng đang điều trị, Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi 5K

Hoàng Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế vừa công bố cả nước ghi nhận thêm 14.591 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua (6/11), trong đó 8.227 ca cộng đồng (tăng 85 ca so với ngày trước đó). Tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác tiếp tục lập kỷ lục về số ca nhiễm mới. Riêng TP Hồ Chí Minh, hôm qua ghi nhận 94 bệnh nhân Covid-19 tử vong và đây là con số cao nhất trong hai tháng tính từ ngày 5/10.

Dịch rất đáng lo ngại

Tại Hà Nội, ngày 6/12 ghi nhận 774 ca nhiễm, trong đó 280 ca cộng đồng. Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay, toàn TP ghi nhận 9.901 ca mắc (trung bình 180,01 ca/ngày), trong đó 3.870 ngoài cộng đồng (39,08%), (0,29%). TP hiện có 16 chùm ca bệnh phức tạp, có 30 điểm đang bị phong tỏa để phòng chống dịch. Số bệnh nhân điều trị vẫn đang gia tăng từng ngày, hiện các cơ sở y tế đang điều trị cho 5.977 trường hợp F0, chủ yếu tại các bệnh viện. Một số trạm y tế lưu động đã tiếp nhận F0 nhưng con số này chưa nhiều.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, hiện đang điều trị 13.681 F0, trong đó 497 trẻ em dưới 16 tuổi, 431 bệnh nhân nặng thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 5/12, có đến 958 bệnh nhân nhập viện, 94 trường hợp tử vong - đây là con số cao nhất trong hai tháng tính từ ngày 5/10.
 Bản đồ tình hình dịch Covid-19 trên cả nước tính đến 18h ngày 6/12.

Theo ông ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hồ Chí Minh, Số ca tử vong do Covid-19 xu hướng tăng trở lại trong một tháng gần đây. Tháng 10 khi thành phố ngưng giãn cách và bắt đầu "mở cửa" trở lại, ca tử vong giảm dần từ 3 con số xuống 2 con số và có ngày chỉ ghi nhận 21 ca (30/10). Hai tuần gần đây, số bệnh nhân tử vong tăng dần ở mức trung bình 60-70 ca mỗi ngày.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã giải thể 8 bệnh viện dã chiến, còn giữ lại 13 bệnh viện dã chiến. Ngành y tế sẽ tái cấu trúc lại các đơn vị này, đủ điều kiện thành bệnh viện 3 tầng kịp thời chữa trị bệnh nhân trong mọi tình huống.

Còn tại Cần Thơ, báo cáo của TP cho biết, số ca mắc thời gian gần đây đang gia tăng, hiện đã trên 30.000 ca; TP đang ở cấp độ dịch 3. Theo Bộ Y tế, ngày 6/12, Cần Thơ có số ca mắc tăng 57 người so với ngày (5/12) với 1.189 F0. Đây là lần đầu tiên Cần Thơ vượt TP Hồ Chí Minh về số ca mắc mới trong ngày. Hiện, địa phương này có tổng cộng 25.190 người mắc Covid-19.

Bên cạnh số ca mắc tăng cao, số ca tử vong cũng là điều đáng lo ngại. Trong ngày hôm qua, cả nước có 223 ca tử vong tại, đứng đầu là TP Hồ Chí Minh với 94 ca, trong đó có 8 ca từ các tỉnh chuyển đến, Tại các tỉnh, thành phố khác: Long An 20 ca, Cần Thơ 18 ca, An Giang 15 ca, Đồng Nai 14 ca, Tây Ninh 13 ca, Tiền Giang 10 ca…

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 201 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.483 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Hiện trên cả nước, 7.006 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó 4.638 ca phải thở ô xy qua mặt nạ, 1.445 ca phải thở ô xy dòng cao HFNC, 162 ca thở máy không xâm lấn, có 20 ca đang chạy ECMO…

Tuyệt đối không được chủ quan

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, “chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm Covid-19 vì tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng người dân không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch, lơ là, chủ quan... Khi số ca mắc gia tăng, đương nhiên bệnh nhân nặng sẽ tăng và con số tử vong cũng sẽ có thể tăng. Do vậy cần nỗ lực để giảm số ca tử vong”.
 Hà Nội tăng tốc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. 

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương vì số ca nhiễm tăng nên trong quá trình triển khai Nghị quyết 128, đối với những nơi thuộc cấp độ dịch 3 và 4 phải thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các khu vực thuộc cấp độ 4. “Có như thế chúng ta mới kiểm soát được số mắc”- Bộ trưởng nói.

Đề cập đến ý thức của người dân trong phòng chống dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, nhiều người nghĩ, hiện nay đã “thích ứng” thì dịch không đáng lo, giống như bệnh cảm cúm. Vì vậy, nhiều người lơ là, chủ quan, không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện 5K theo khuyến cáo, hậu quả là nếu nhiễm Covid-19, dễ lây lan cho cộng đồng. Thực tế, Việt Nam đang nỗ lực tiêm chủng, phủ mũi 2 vaccine, nhưng vẫn còn những trường hợp chưa được tiêm, đặc biệt đối với người cao tuổi, bệnh nền, nếu nhiễm Covid-19, dễ diễn biến nặng và tử vong.

Phân tích sơ bộ cho thấy đa số ca tử vong do bệnh lý nền, cao tuổi, chưa tiêm vaccine chiếm trên 75%. Đặc biệt, có một số bệnh nhân đã tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng vẫn tử vong do tuổi quá cao, và mang cùng lúc nhiều bệnh nền. "Những bệnh nhân này chủ yếu tử vong do bệnh lý nền, mắc Covid-19 chỉ là tác nhân khiến bệnh lý trở nặng thêm", đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết.

Tại Hà Nội, theo Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, dự báo, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tại Thủ đô sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tiếp tục gia tăng.

Trước nguy cơ dịch bệnh đang có chiều hướng khó kiểm soát, TP căn cứ theo cấp độ dịch được công bố đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, của các cấp, các ngành, rất cần sự chung tay giúp sức từ mỗi người dân. Để đẩy lùi dịch bệnh, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch. Mỗi người phải tự phòng hộ, bảo vệ chính bản thân mình bằng việc làm nhỏ nhất chính là tuân thủ nghiêm túc thông điệp 5K. Tuyệt đối không được chủ quan, dù bản thân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.