70 năm giải phóng Thủ đô

Sở GTVT Đà Nẵng nói gì về vụ ngân hàng thu xe buýt để siết nợ?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng xác nhận có sự việc ngân hàng thu xe buýt của doanh nghiệp vận tải để thực hiện thu hồi nợ. Tuy nhiên, vụ việc không ảnh hưởng đến hoạt động các tuyến xe buýt trợ giá TP.

Trả lời báo chí tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2022 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức chiều 18/4, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng Đặng Nam Sơn xác nhận có sự việc ngân hàng thu xe buýt của doanh nghiệp vận tải để thực hiện thu hồi nợ tại địa bàn.

Ngân hàng dán thông báo thu xe buýt siết nợ. Ảnh: Đ.NGA
Ngân hàng dán thông báo thu xe buýt siết nợ. Ảnh: Đ.NGA

Theo ông Đặng Nam Sơn, hiện Đà Nẵng có 11 tuyến buýt trợ giá. Trong đó, có 5 tuyến hoạt động từ đầu năm 2017, đến năm 2019 đưa vào hoạt động thêm 6 tuyến.

“Vừa qua có sự việc ngân hàng Tiên Phong là người cho Công ty Quảng An vay để đầu tư 5 tuyến buýt trợ giá đầu tiên. Đến tháng 1/2022, hợp đồng 5 tuyến này đã chấm dứt. Hiện, TP đang tổ chức đấu thầu lại 5 tuyến buýt này. Còn xe thuộc 5 tuyến này đã tạm dừng sau khi kết thúc hợp đồng. Như vậy, đây là công nợ giữa 2 đơn vị, không ảnh hưởng gì đến hoạt động xe buýt trợ giá hiện nay” – ông Đặng Nam Sơn thông tin.  

Trước đó, mạng xã hội lan truyền hình ảnh xe buýt trợ giá trên địa bàn TP Đà Nẵng do Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 vận hành bị nhiều xe cẩu đến bãi kéo đi để siết nợ. Nhiều người lo ngại việc này ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt trợ giá TP Đà Nẵng.

Công an phường Thuận Phước (quận Hải Châu) thụ lý vụ việc xe cẩu kéo xe buýt Quảng An tại bãi xe dưới chân cầu Thuận Phước. Ảnh: Đ.NGA
Công an phường Thuận Phước (quận Hải Châu) thụ lý vụ việc xe cẩu kéo xe buýt Quảng An tại bãi xe dưới chân cầu Thuận Phước. Ảnh: Đ.NGA

Theo ghi nhận, trên kính chắn gió của các xe này có dán giấy trắng mang dòng chữ “Tài sản thế chấp tại TPBank cấm xâm phạm” kèm theo dấu đỏ ghi “TPBank phòng xử lý nợ miền Bắc”.