Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Số hóa” để kéo giảm tai nạn giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần một thập kỷ nỗ lực không mệt mỏi, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2014 vừa qua, lần đầu tiên, số người chết vì tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước giảm xuống con số dưới 9.000 người.

Bước sang năm 2015, các cơ quan chức năng cũng chỉ dám mạnh dạn đặt mục tiêu giảm thêm khoảng 10 - 15% so với năm 2014. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Tập đoàn FPT đã tự tin đề xuất với Chính phủ và Ủy ban ATGT quốc gia về việc sẽ kéo giảm tới 50% số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đề xuất này thực sự rất đáng suy nghĩ bởi sinh mạng con người luôn là thứ quý giá nhất. Mà 50% của 9.000 người mỗi năm không phải chết một cách oan uổng, vô ích là một con số quá ý nghĩa. Nhưng từ trước đến nay, chúng ta bảo vệ tính mạng con người khi ra đường còn “thủ công” quá, mới chỉ tập trung tuyên truyền, xử phạt. Ngay cả khâu phát hiện hành vi vi phạm của người tham gia giao thông cũng chủ yếu bằng mắt nên không ít lần đã xảy ra bất đồng, ức chế giữa người thực thi công vụ với người vi phạm.

Lý giải cho việc sẽ kéo giảm được 50% nếu áp dụng CNTT, đại diện tập đoàn FPT cho rằng, kết quả thống kê cho thấy có đến 75% số vụ TNGT hiện nay là do phóng nhanh vượt ẩu. Muốn giải quyết được vấn đề này đòi hỏi mỗi người dân phải nghiêm túc thực thi pháp luật. Mà muốn tuân thủ pháp luật thì cách nhanh nhất chính là cần có hệ thống thông tin, camera giám sát. Qua thí điểm CNTT trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, trên 50.000 trường hợp vi phạm bị xử lý đều “tâm phục, khẩu phục” vì các thiết bị đã ghi nhận chính xác những vi phạm. Khi người tham gia giao thông ý thức được việc chắc chắn sẽ bị phát hiện, xử phạt thông qua các hình ảnh, thông tin ghi nhận từ hệ thống camera, tự khắc họ sẽ không còn dám vi phạm. Áp dụng giao thông thông minh và người dân thượng tôn pháp luật thì tự nhiên TNGT sẽ giảm. FPT sẵn sàng xây dựng đề án, tự đề xuất cơ chế đầu tư và thu hồi vốn.

Rất mừng là từ đề xuất này, lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia đã chấp thuận việc xây dựng Đề án tổng thể về ứng dụng CNTT trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; lập dự án thí điểm xã hội hoá đầu tư hệ thống CNTT trong giám sát, xử lý vi phạm trên một số tuyến quốc lộ trọng điểm… Quá trình này phải bắt đầu ngay trong năm 2015. Với trách nhiệm, quyết tâm của cơ quan chức năng, cộng với trách nhiệm công dân và tấm lòng của người làm khoa học, TNGT sẽ không còn là “đại dịch” của xã hội.