Số hoá dữ liệu lễ hội: Nguồn lực triển khai còn hạn chế

Lại Tấn (Thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL vừa ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021- 2025. Để có thể hiểu rõ hơn tầm quan trọng và những thuận lợi, khó khăn trong việc trên khai đề án này, phóng viên báo KT&ĐT đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Phát huy tiềm năng di sản

Thưa ông, Bộ VHTT&DL vừa ban hành Quyết định số 2139/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc số dữ liệu lễ hội trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay?

Chúng ta đang hướng đến xây dựng một xã hội số, ở đó, các dữ liệu số đóng vai trò quan trọng như là nguồn tài nguyên để kết nối thông tin, tạo ra những dịch vụ, tiện ích gia tăng khác nhau, vì thế nhiều người xem dữ liệu số chính là vàng của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để nắm bắt xu thế đó, ngày 16/7/2021, Bộ VHTT&DL phê duyệt đề án “số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025. Theo Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 xác định di sản văn hoá phi vật thể được chia làm 7 loại hình, trong đó có lễ hội truyền thống. Như vậy, việc Bộ VHTT&DL phê duyệt đề án này đã chứng tỏ tầm quan trọng của lễ hội truyền thống trong tổng thể hệ thống di sản văn hoá Việt Nam, chứng minh rằng lễ hội chính là di sản văn hoá phản ánh rõ nhất bản sắc văn hoá dân tộc, tiêu biểu cho tính cách, phẩm chất của con người và văn hoá Việt Nam, chứa đựng những giá trị, lịch sử văn hoá đất nước.

Số hoá dữ liệu lễ hội có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc giữ gìn, bảo quản tư liệu một cách hiệu quả, lâu bền, phù hợp với xu thế công nghệ mới, mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực di sản có ý nghĩa đối với việc khẳng định giá trị văn hoá Việt Nam, để các di sản này có thể phát huy tiềm năng, tạo động lực cho sự phát triển chung của đất nước.
 Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh) được tổ chức năm 2019. Ảnh: Lại Tấn.

Được biết, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã thực hiện công tác số hóa dữ liệu về di sản (trong đó có các dư liệu về lễ hội). Ông có thể cho biết quá trình số hóa đã đóng góp như thế nào cho nghiên cứu, tra cứu, cũng như quảng bá giá trị lễ hội của Việt Nam?

Từ năm 1997, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam được giao chủ trì một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, đó là chương trình sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể. Trên cơ sở này, Viện đã hình thành một ngân hàng dữ liệu di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam, trong đó có rất nhiều lễ hội ở các địa phương trên cả nước.

Qua 23 năm thực hiện, hoạt động số hóa lễ hội của Viện đã giúp chuyển tài liệu từ dạng analog (truyền thống) sang tài liệu dạng digital (số), tạo thuận lợi trong việc nâng cao tuổi thọ tài liệu gốc và phục vụ nhanh chóng, kịp thời yêu cầu tra cứu tài liệu lưu trữ mọi lúc, mọi nơi, góp phần không nhỏ để quảng bá hình ảnh, nâng cao nhận thức, khẳng định giá trị lễ hội truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam đối với công chúng trong và ngoài nước.

Đối với trong nước, các tư liệu số hoá về lễ hội của Viện trở thành các tài liệu cho một số bảo tàng, tài liệu giảng dạy cho các trường đại học về văn hoá nghệ thuật, phim tư liệu cho các đài truyền hìcuarT.Ư và địa phương. Trên cơ sở các tài liệu số hoá, trong đó đa phần là các tài liệu về lễ hội này, Viện đã cùng ICHCAP (Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc) thực hiện Dự án sản xuất phim tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, dự án hệ thống chia sẻ số liệu về di sản văn hóa phi vật thể ở châu Á Thái Bình Dương, và do IRCI Nhật Bản (Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể của Nhật Bản) triển khai dự án Phát triển bền vững số liệu nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể.

Nguồn lực triển khai còn hạn chế

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã số hoá nhiều dư liệu về di sản. Vậy, đối với riêng việc số hoá dữ liệu lễ hội Việt Nam, theo ông sẽ có những thuận lợi, khó khăn gì?

Thuận lợi căn bản nhất chính là nhận thức của các địa phương về việc số hoá di sản. Nhiều địa phương đã hiểu rõ hơn về lợi ích, ý nghĩa, giá trị của việc số hoá di sản nói chung, số hoá lễ hội nói riêng. Đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện của việc thay đổi hình thức lưu trữ được lâu hơn mà còn là cả một vấn đề rộng hơn hơn trong việc sử dụng dữ liệu cho nhiều mục đích khác nhau.

Trên cơ sở nhận thức tốt hơn đó, hiện này, nhiều địa phương đã tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa. Nhiều đơn vị, cơ quan cả Nhà nước và tư nhân đã tích cực số hoá dữ liệu di sản văn hoá, trong đó đặc biệt là sự quan tâm của thế hệ trẻ trong việc số hoá, làm mới những giá trị di sản.

Các cá nhân, DN cũng quan tâm ủng hộ, hỗ trợ cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản như trường hợp Tập đoàn Tuần Châu tài trợ Viện 15 tỷ để số hoá dữ liệu năm 2019 là một ví dụ. Các phương tiện kỹ thuật hiện đại cũng góp phần giúp việc số hoá dữ liệu trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Nhờ sự tích cực chung này đã tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động số hoá dữ liệu lễ hội trên địa bàn cả nước, cũng như đối với Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta cũng còn nhiều khó khăn. Chúng ta có trên 9.000 lễ hội trong khi số lượng lễ hội đã được sưu tầm, số hoá còn rất khiêm tốn. Lễ hội truyền thống lại là di sản sản văn hoá phi vật thể, được thực hành dựa trên tri thức và trí nhớ của con người, phụ thuộc rất nhiều vào nghệ nhân, những người thực hành văn hoá, nên dễ mai một nếu chúng ta không kịp thời sưu tầm, lưu trữ.

Nguồn lực cho việc sưu tầm, lưu trữ, số hoá cả về nhân lực, tài chính, thiết bị công nghệ, tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đó là những khó khăn chúng ta cần cải thiện để làm tốt hơn trọng trách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc nói chung, di sản lễ hội truyền thống nói riêng.
 Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải.

Theo Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025” của Bộ VHTT&DL, giai đoạn 2, từ năm 2023 đến 2025 sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cổng thông tin về lễ hội Việt Nam; đào tạo tập huấn, khai thác sử dụng phần mềm và duy trì, vận hành hệ thống. Theo ông, làm cách nào để có thể số hoá số lượng dữ liệu về lễ hội lớn như ở Việt Nam? Chúng ta nên triển khai việc số hoá như thế nào để đảm bảo tiến độ và chất các dữ liệu được số hoá?

Số hoá dữ liệu lễ hội là một công việc đòi hỏi huy động sự quan tâm, tham gia của toàn xã hội. Dù đề án có giao cho Cục Văn hoá cơ sở chủ trì thì điều đó cũng không có nghĩa Cục có thể làm được mọi việc liên quan đến số hoá kho dữ liệu di sản lễ hội đồ sộ này.

Việc số hoá nên được bắt đầu bằng hoạt động tổng hợp toàn bộ các dữ liệu về lễ hội tại các đơn vị đang thực hiện công tác lưu trữ di sản văn hóa như Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Âm Nhạc, Cục Di sản văn hóa, Vụ Văn hóa dân tộc… và các Sở VHTT&DL, Sở VH&TT các tỉnh, TP trong cả nước. Tiếp theo đó là việc chuẩn bị nguồn lực để thực hiện đề án.

Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, phù hợp thì khâu chuẩn bị nguồn nhân lực cũng cần phải chú ý đầy đủ. Hợp tác quốc tế là một hướng đi đúng khi chúng ta biết rằng trên thế giới đã có nhiều trung tâm dữ liệu di sản, nhiều kinh nghiệm về việc số hoá di sản, trong đó có lễ hội, và việc chúng ta tham gia vào các mạng lưới, trung tâm này giúp chúng ta không chỉ có thêm kinh nghiệm, nguồn vốn hỗ trợ, mà còn giúp quảng bá di sản văn hoá Việt Nam, khẳng định vị trí văn hoá dân tộc trong dòng chảy chung của văn hoá thế giới.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, việc huy động nguồn lực toàn xã hội trong việc tham gia thực hiện đề án. Nhiều sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt của các cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt từ các bạn trẻ năng động, sẽ giúp cho hoạt động số hoá có hiệu ứng xã hội tốt hơn. Đó cũng là một trong số những mục đích của đề án.

Xin cảm ơn ông!