Sự kiện hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai việc thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hệ thống các tổ chức tài chính và ngân hàng tại Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp “chuyển đổi số” hữu hiệu nhằm tận dụng cơ hội thị trường và mở rộng các giải pháp và dịch vụ thuận tiện đối với khách hàng.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hiệp hội ngành hàng, trao đổi thẳng thắn, đa chiều về chính sách, thông tin, các tính năng, lợi ích của ngân hàng số mang lại cho doanh nghiệp và khách hàng.
Bên cạnh đó diễn đàn đưa ra các giải pháp hỗ trợ mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ tài chính, đảm bảo lợi ích của các ngân hàng.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN Việt Nam) Phạm Xuân Hòe cho biết, ngành công nghiệp ngân hàng đang ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo như: Internet kết nối vạn vật, trí tuệ thông minh nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán, điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng.
Sự xâm nhập của các gã khổng lồ về công nghệ thông tin (IT) và bưu chính viễn thông vào cung ứng dịch vụ tài chính làm thay đổi căn bản bộ mặt ngành dịch cụ tài chính, phá đi tính độc tôn của ngân hàng trong lĩnh vực này.
Một nhân tố nữa góp phần tạo nên cách mạng trong ngành tài chính số, đó là sự tham gia sâu rộng của các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech). Với chi phí thấp hơn và phạm vi bao phủ rộng hơn, công nghệ số đang dần khiến các ngân hàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống trên toàn cầu, từng bước khẳng định vai trò của công nghệ trong thời đại mới.
Các chuyên gia IT cho rằng quá trình tái tạo số sẽ thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới: Trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều năng lực, dịch vụ sáng tạo hơn; an toàn bảo mật hơn.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, NHNN Việt Nam đã công bố một kết quả khảo sát tại các ngân hàng thương mại Việt Nam cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm từ 60 - 70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.
Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng cũng đi kèm không ít thách thức đòi hỏi thay đổi về thể chế, vốn đầu tư lớn, về nguồn nhân lực ngân hàng có đầy đủ kiến thức và năng lực để nắm bắt các công nghệ mới và các kỹ năng mới trong hoạt động ngân hàng – tài chính thời kỳ số hóa, về năng lực kiểm soát, xử lý được những rủi ro mới một cách hiệu quả, cũng như cả vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính.
Khảo sát về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam phần lớn các tổ chức tín dụng có nhận thức về chuyển đổi số; trong đó, có 42% đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 28% đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh, 11% đã phê duyệt và triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng. Phần lớn các tổ chức tín dụng tham gia khảo sát hiện đang triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số như chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử. Hiện, có tới 41,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng triển khai dịch vụ đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số.