Số hóa sản phẩm trong không gian ảo giúp doanh nghiệp xuất khẩu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) đã tổ chức họp báo giới thiệu về “Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam” (Lifestylevietnamonline.com) trên nền tảng số để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đây là hội chợ chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam và thế giới áp dụng công nghệ video 360, công nghệ thực tế ảo tăng cường và trí tuệ nhân tạo.
Phó Chủ tịch Vietcraft Lê Bá Ngọc giới thiệu về tính năng vượt trội của ''Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam''. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chủ tịch Vietcraft Lê Bá Ngọc cho biết, số liệu của Hiệp hội ngành công nghiệp triển lãm toàn cầu (UFI) năm 2018, có gần 32.000 hội chợ triển lãm thương mại được tổ chức trên thế giới, thu hút 303 triệu lượt khách tham dự. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, gần như tất cả kế hoạch tổ chức hội chợ thương mại đều phải dừng lại. Các quy định hạn chế đi lại, cấm tụ tập đông người ở ngoài trời là rào cản lớn nhất đối với các hội chợ thương mại, các nhà tổ chức hội chợ thương mại trên thế giới đã và đang tập trung chuyển sang sử dụng không gian hội chợ ảo để giúp các công ty kết nối với khách hàng.
Chẳng hạn, Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair), một trong những hội chợ lớn nhất trên thế giới, đã ứng dụng hội chợ ảo từ năm nay, trong khi đó, Hannover Messe, một trong những hội chợ triển lãm quốc tế thường niên lớn nhất thế giới về công nghệ ở Hannover (Đức) đã bị hủy thay vào đó, ban tổ chức sẽ tổ chức sự kiện này trực tuyến. Tại Nhật Bản, Triển lãm Kết hợp các công nghệ tiên tiến (Ceatec) - triển lãm hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản và Triển lãm Game Tokyo (TGS) cũng sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến.
Hiện tại chưa có hội chợ ảo nào ở Việt Nam được xây dựng. Sau khi nghiên cứu các hội chợ ảo hiện tại trên thế giới, để đảm bảo tận dụng được hết các chức năng ưu việt, tạo ra những chức năng mới tăng tính hấp dẫn, đảm bảo tính cập nhật trong những năm tới, được sự hỗ trợ của Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Vietcraft quyết định xây dựng “Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam”.
Mục tiêu đạt được của “Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam” là hình thành được cơ sở hạ tầng để tổ chức được tối thiểu 1.000 gian hàng các sản phẩm thuộc các nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, quà tặng và trang trí gia đình trước năm 2025. Hiện đã hoàn thành được gian hàng trực tuyến của 200 đơn vị xuất khẩu trong năm 2020 (diễn ra ngày 26, 27, 28/12) và là 500 đơn vị xuất khẩu trong năm 2021. “Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam sẽ là hội chợ ảo đầu tiên trên thế giới về lĩnh vực trang trí và quà tặng áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo tăng cường và trí tuệ nhân tạo” - ông Lê Bá Ngọc nhấn mạnh.
Các chức năng và hoạt động gồm: Xây dựng không gian các nhóm ngành hàng tiêu biểu của Việt Nam, với 9 nhóm ngành hàng chính gồm: Hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất; hàng phụ kiện sân vườn; hàng dệt gia dụng; hàng trang trí bàn ăn và vật dụng nhà bếp; hàng trang sức và phụ kiện cá nhân; hàng giày da và túi xách; hàng hương thơm và mỹ phẩm tự nhiên; hàng đồ chơi và hàng quà tặng du lịch và sản phẩm của các dân tộc thiểu số. Không gian mỗi nhóm thể hiện yếu tố văn hóa Việt Nam nhưng cũng hòa nhập với xu thế không gian kiến trúc hội chợ hiện đại của thế giới.
''Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam'' sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu. 
Bên cạnh đó, gian hàng mỗi doanh nghiệp, về cơ bản sẽ được phân thành các module tiêu chuẩn (từ 1 - 3 gian). Gian hàng sẽ được dựng không gian 3 chiều và sử dụng công nghệ 360 độ để quan sát từng góc/điểm khác nhau của gian hàng. Các thông tin cơ bản tại mỗi gian hàng gồm tên doanh nghiệp, nhóm ngành hàng, trang web, người liên hệ, thị trường mục tiêu, năng lực sản xuất, ảnh sản phẩm đại diện…
Thông tin doanh nghiệp có thể được tìm kiếm đơn giản ở các trang cũng như được truy cập ngay tại mỗi gian hàng ở hội chợ ảo. Các doanh nghiệp tham sẽ được hỗ trợ xây dựng catalogue điện tử sản phẩm ở dạng Flip (bên cạnh các sản phẩm đã được số hóa), giúp khách hàng có nhiều thông tin hơn về các dòng sản phẩm. Vietcraft cũng từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu để xây dựng catalogue điện tử sử dụng công nghệ thực tế ảo, tăng cường tính tương tác giữa nhà trưng bày và khách mua hàng.
Đồng thời, việc số hóa các sản phẩm là một xu hướng tất yếu của tiếp thị online nhằm tận dụng tối đa các ứng dụng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các sản phẩm đặc trưng nhất của doanh nghiệp sẽ được lựa chọn để scan 3 chiều và lập trình để số hóa các sản phẩm này (vector hóa); Sử dụng thực tế ảo tăng cường để tạo góc nhìn cho từng sản phẩm: Các sản phẩm có thể được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau tùy theo ý muốn của người sử dụng khi áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường cho các sản phẩm đã được số hóa. Khách hàng có thể nâng, hạ, xoay các sản phẩm để có thể hiểu được rõ nhất hình dáng của sản phẩm, được trải nghiệm sản phẩm trong môi trường thực tế ảo.
Câu chuyện của sản phẩm sẽ được xây dựng ở dạng text và audio. Về lâu dài các ngôn ngữ khác nhau sẽ được xây dựng cho trang web, tuy nhiên trong giai đoạn năm 2020 thì 2 ngôn ngữ tiếng Việt và Anh sẽ được hoàn thành. Câu chuyện sản phẩm và lời bình sẽ được phối hợp soạn thảo giữa doanh nghiệp và Vietcraft trên cơ sở đề cao sự khác biệt, lợi ích của việc sử dụng sản phẩm…
Việc tổ chức hội chợ ảo Lifestyle Vietnam 2020 (Lifestylevietnamonline.com) nhằm sử dụng tối đa công nghệ không chỉ là quảng bá sản phẩm, kích cầu mua sắm, mà lồng ghép vào đấy quảng bá văn hóa, du lịch với các gian hàng được thiết kế đặc trưng địa danh vùng miền của Việt Nam. Chẳng hạn, doanh nghiệp gốm Bát Tràng sẽ thiết kế gian hàng như một lò gốm, trong đó có các sản phẩm khách hàng bấm tùy chọn theo từng hình ảnh và được giói thiệu chi tiết về tính năng...
Phó Chủ tịch Vietcraft Lê Bá Ngọc