Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số hóa và nền kinh tế số

Phan Văn Từ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, người ta đang nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng ít người đưa ra được sự phân chia giai đoạn của các cuộc cách mạng đó một cách thuyết phục.

Bài 2: Thúc đẩy tự động hóa sản xuất
Xu thế kết nối số hóa

Trong nền kinh tế số hóa, công nghệ thông tin (CNTT) được áp dụng một cách sâu rộng. Người ta sẽ số hóa tất cả những gì số hóa được và áp dụng công cụ xử lý số vào những lĩnh vực đã được số hóa. Sản phẩm của nền công nghiệp trong tương lai sẽ bao gồm những sản phẩm truyền thống được sản xuất bằng công nghệ mới và những sản phẩm hoàn toàn mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của con người.

Trước hết, CNTT sẽ được vận dụng để hoạch định chính sách, bố trí hợp lý các khu công nghiệp trên cơ sở tài nguyên, vị trí địa lý, nguồn lực lao động và các mối quan hệ xã hội. CNTT cũng được vận dụng để đánh giá thị trường, đánh giá đối thủ cạnh tranh tiềm tàng, những rủi ro...
 Vận hành hệ thống dán linh kiện tự động tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Công Hùng
Thứ hai, CNTT được ứng dụng để thiết kế sản phẩm. Hiện nay hầu như mọi thiết kế đều được làm trên máy tính. Người ta có thể lập tức đưa vào bản thiết kế những thay đổi nếu như xuất hiện ý tưởng mới. Những thiết kế đó được lưu dưới dạng thông tin số nên có thể được truyền đi khắp nơi với không gian không hạn chế. Và muốn thiết kế một sản phẩm mới không nhất thiết phải bắt đầu từ con số không mà người ta có thể lấy thiết kế đã lưu ra, và đưa vào những hiệu chỉnh cần thiết. Hiện nay, các hãng ô tô lớn đều có sẵn một kho các mẫu ô tô chưa sản xuất. Các kho đó luôn được làm đầy bởi các cơ sở thiết kế rải khắp thế giới. Khi cần có mẫu mới để đấu với đối thủ cạnh tranh thì lập tức một mẫu nào đó được lựa chọn để sản xuất mà không mất thời gian để thiết kế.

Thứ ba là CNTT được áp dụng trực tiếp vào dây chuyền sản xuất. Nền sản xuất công nghiệp hiện nay và trong tương lai gần là nền sản xuất tự động hóa và robot hóa. Mà bản chất quá trình điều khiển nói chung là quá trình xử lý thông tin. Đây là mảnh đất màu mỡ để áp dụng những thành tựu mới nhất của CNTT – trí tuệ nhân tạo. Sẽ có một ngày robot sản xuất ra robot (người máy đẻ ra người máy). Nếu rồi đây công nghệ vật liệu tiến kịp thì dây chuyền sản xuất tự động hóa sẽ biến mất và thay vào đó là các robot in 3D. Ta hình dung rất đơn giản là khi mẫu thiết kế đã được nhập vào bộ nhớ của robot in thì nó sẽ điều khiển dòng vật liệu phủ đầy theo không gian 3 chiều để tạo ra sản phẩm như mẫu mà nó đang nhớ. Khi sản phẩm đã hoàn thiện thì nó tự động dừng lại.

Thứ tư, CNTT tham gia tích cực vào quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm. Những công việc như quản lý vật tư, tài chính, giao dịch với ngân hàng đều được áp dụng kỹ thuật số và tự động hóa hoàn toàn. CNTT có thể giải quyết bài toán tối ưu hóa trong logistics, nghĩa là tối ưu hóa vận tải, bố trí kho bãi và phân phối sản phẩm.

Thứ năm, CNTT giúp lãnh đạo nắm được tình hình sản xuất trong thời gian thực bất kể đang ở đâu. Với hệ thống camera nối mạng thì lãnh đạo ngồi ở đâu trên thế giới này cũng có thể quan sát trực tiếp cơ sở sản xuất của mình. Ngoài ra, lãnh đạo có thể yêu cầu hệ thống trích xuất bất cứ thông tin gì cho mình mà không cần qua ai cả nên thông tin không thể bị bóp méo.

Thứ sáu, nếu rồi đây công nghệ vật liệu phát triển tạo ra được những vật liệu thông minh, dựa trên các cảm ứng điện từ hay gốm áp điện..., nghĩa là những vật liệu biết “nghe lời” thì ta có thể điều khiển nó và áp dụng trực tiếp CNTT vào nó.

Thứ bảy, để phục vụ cho nền kinh tế siêu hệ thống – mạng vạn vật, nghĩa là mỗi sản phẩm sản xuất ra đều có thể nối mạng và được mã hóa để xác định tính đơn nhất của nó thì nó sẽ được gắn chíp. Lúc đó, với bất cứ thiết bị nối mạng nào như máy tính hay điện thoại ta đều có thể “đối thoại” với đồ vật của mình bất cứ đâu.

Và rất nhiều câu hỏi đặt ra

Nhưng sự phát triển nào cũng có hai mặt của nó. Những hệ lụy xã hội sẽ đến mà chúng ta chưa thể lường hết được. Nạn thất nghiệp sẽ là tất yếu và ngày càng gia tăng. Vai trò của robot ngày càng lên cao thì vai trò của con người ngày càng mất dần đi. Đạo đức xã hội có theo kịp sự phát triển công nghệ không? Mạng lưới sản xuất sẽ toàn cầu hóa mạnh mẽ, biên giới quốc gia và các hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng sẽ như thế nào? Thí dụ như ngành hải quan và ngành thuế phải làm sao để không tụt hậu.

Loài người có biết kiềm chế để không xảy ra xung đột giữa người và robot không? Hay loài người sẽ là nạn nhân?

(Còn nữa)