Số hóa và nền kinh tế số

Phan Văn Từ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 1948, nhà bác học người Mỹ Nobert Winier khi cho xuất bản cuốn “Cybernetic – Điều khiển học” đã rất bi quan khi cho rằng ở một xã hội mà con người chỉ chạy theo lợi nhuận thì cái khoa học của ông ấy (Điều khiển học – tự động hóa) sẽ đẩy loài người đến thất nghiệp tràn lan và hậu quả xã hội không thể lường hết được.

Bài cuối: Hai kịch bản con người và robot
 Robot hàn tự động tại nhà máy ô tô Hyundai Thành Công. Ảnh: Trần Dũng
Với việc ra đời của tự động hóa và robot thì việc làm cho con người bị thu hẹp lại và thất nghiệp là một tất yếu khách quan. Khi giá trị của robot lên cao thì giá trị của con người giảm xuống. Lao động của đại bộ phận dân chúng trở nên rẻ mạt hay vô giá trị vì chẳng ai mua nữa.
Tại sao lại như vậy? Vì robot có nhiều tính năng vượt trội hơn con người. Con người khi không làm việc cũng phải ăn, còn robot chỉ ăn khi làm việc. Robot chưa được cấp cho tình cảm nên nó rất vâng lời, không chống đối, không tụ tập biểu tình. Robot làm việc được trong nhiều môi trường khác nhau mà con người không làm được như nơi rất nóng, rất lạnh, không có không khí, nhiễm xạ... Robot có thể phát triển sức mạnh cơ bắp và khả năng tính toán mạnh và nhanh hơn con người rất nhiều. Robot rất thích làm những việc mà con người lại chán như công việc lặp đi lặp lại trong một thời gian dài... Tóm lại, với những ưu việt của robot thì giới chủ sẽ sử dụng robot thay thế cho con người.

Đại bộ phận nhân loại sẽ bị đẩy ra khỏi guồng máy sản xuất và dịch vụ nên hậu quả xã hội sẽ vô cùng to lớn. Sẽ có 2 kịch bản chính xảy ra. Kịch bản dễ xảy ra hơn là kịch bản khi ý thức xã hội của loài người không đáp ứng kịp sự phát triển của khoa học công nghệ. Loài người chưa đủ ý thức để xây dựng một xã hội công bằng tốt đẹp.
Lúc đó giới chủ - một bộ phận nhỏ của loài người chỉ nhắm mục tiêu nâng cao lợi nhuận, sử dụng ngày càng nhiều robot và đẩy càng nhiều người lao động ra lề. Nhưng người lao động là con người nên họ có những nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, mặc và mưu cầu hạnh phúc. Robot đã cướp đi của họ những nhu cầu tối thiểu đó nên tất yếu họ phải nổi dậy để đánh nhau với robot. Những cuộc phá hoại cướp bóc sẽ có quy mô toàn cầu. Con người sẽ tìm mọi cơ hội để hủy diệt robot, để chống lại những kẻ tạo ra robot, những kẻ sử dụng robot.
Về phần mình robot sẽ tìm cách tự vệ và chống trả hay nói đúng hơn là những người tạo ra robot sẽ nâng cao khả năng đáp trả của nó để chống lại đối thủ. Nói chung cho đến nay con người vẫn còn thông minh hơn robot, nhưng robot lại do những con người thông minh hơn trong loài người tạo ra nên cuộc chiến sẽ ngày càng cam go. Con người không có việc làm sẽ không có cơ hội được học hành và đại bộ phận sẽ không tiếp cận được tri thức mới, trong khi đó robot ngày càng được hoàn thiện hơn nhờ một nhóm nhỏ những người ưu tú có việc làm.
Ngoài ra sẽ đến lúc robot đẻ ra robot, nghĩa là con người đã truyền cho nó khả năng chế tạo ra nó thì có thể một ngày đẹp trời con người không khống chế được robot nữa, chúng sẽ đánh nhau quyết liệt và đánh cả loài người không thương tiếc vì chúng không có khái niệm tình thương.

Kịch bản thứ 2 khó khăn hơn đòi hỏi loài người có ý thức phát triển kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đòi hỏi con người phải có đạo đức cao hơn, con người hơn. Về logic sự khác biệt của hai kịch bản là rất dễ nhận ra nhưng về mặt xã hội là bài toán vô cùng khó giải quyết. Bản chất nằm ở chỗ phân phối lợi nhuận. Nền sản xuất có trình độ robot hóa cao sẽ mang lại lợi nhuận rất to lớn. Nếu lợi nhuận đó không vào tay một thiểu số ít ỏi mà là của chung của mọi người thì mọi người đều được hưởng lợi. Con người sẽ có tiền để hoàn thiện bản thân, thời gian rỗi sẽ được dùng cho học tập, rèn luyện thi đấu thể thao, quan tâm giáo dục thế hệ trẻ. Con người không có nhu cầu tranh giành công việc với nhau nên công việc có thể được chia đều. Robot sẽ được dùng để phục vụ lợi ích chung nên sẽ không còn xung đột với con người. Robot sẽ không tranh giành với con người ở những lĩnh vực không cần thiết thí dụ như búp bê tình dục. Xã hội loài người ngày càng phát triển phồn vinh và tốt đẹp.

Loài người chọn kịch bản nào?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần