Số hóa xúc tiến thương mại, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/12, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý đã có nhiều ý kiến góp ý tại Hội nghị triển khai Quyết định 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Sự kiện do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức nhằm hiện thực hóa Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án 1968) và định hướng, tham gia xây dựng, phổ biến Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (XTTM) số...

Hệ sinh thái XTTM số dựa trên nền tảng cộng nghệ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp.

Kết cấu hạ tầng mềm

Theo Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin XTTM (INTEC) Nguyễn Thị Minh Thúy, điểm nhấn và cũng là trọng tâm của Đề án đó là thiết kế, xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ sinh thái XTTM số (Decobiz-Digital Ecosystem for Businesses).

Hệ sinh thái XTTM số là kết cấu hạ tầng mềm, do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như: Hội chợ, triển lãm số; kết nối giao thương thông minh; cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM; tư vấn - huấn luyện trực tuyến; thông tin khuyến mại; định danh điện tử… đáp ứng nhu cầu hỗ trợ XTTM của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan XTTM.

Hệ sinh thái XTTM số được thiết kế theo kiến trúc tổng thể, thống nhất, phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định; Đảm bảo khả năng vận hành thông suốt, nâng cấp, mở rộng, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Các thành viên của Hệ sinh thái XTTM số gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (làm trung tâm); các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, phát triển bền vững, thương mại, xuất-nhập khẩu, XTTM; các tổ chức XTTM trong nước và quốc tế; hiệp hội ngành hàng; các đơn vị cung cấp dịch vụ có liên quan. Các dịch vụ XTTM gồm những chức năng hỗ trợ tương tác giữa các thành viên, đặc biệt là doanh nghiệp để khai thác và phát triển các thị trường trong nước và quốc tế.

Giải pháp trọng tâm chính là xây dựng, phát triển các ứng dụng, nền tảng số một cách tổng thể, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ XTTM của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan XTTM.

Kiến nghị từ doanh nghiệp

Bàn về vấn đề, Thành viên HĐTV Công ty CP Kỹ thuật số FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ Sen Đỏ Nguyễn Đắc Việt Dũng đã nhấn mạnh đến việc kết hợp áp dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng có thể nhận biết sản phẩm sạch, an toàn từ trang trại đến bàn ăn... Giám đốc Công nghệ FPT Vũ Anh Tú cho biết thêm, trong 2 năm qua, FPT đã đồng hành cùng nhiều cơ quan của Chính phủ, tỉnh thành trên toàn quốc đưa chuyển đổi số vào thực tiễn, đặc biệt trong giai đoạn Covid -19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông.

“Với quận 7 - TP Hồ Chí Minh, FPT triển khai Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế. Hay với tỉnh Khánh Hòa, FPT đang cùng tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 5 năm” - vị này dẫn chứng. Với kinh nghiệm 30 năm triển khai các hệ thống lớn như kho bạc/tài chính/hải quan/thuế… FPT cam kết đồng hành để phát triển Hệ sinh thái XTTM số. FPT cũng kiến nghị các đề án chính sách phát triển Hệ sinh thái XTTM số cần bám sát thực tế và tạo ra những sản phẩm, giá trị hữu ích có lợi cho người dân, doanh nghiệp giúp mở rộng thị trường, đem sản phẩm của Việt Nam ra thế giới với tốc độ nhanh hơn, quy mô lớn hơn nữa.

Là ngân hàng quốc gia hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cung ứng vốn cho nền kinh tế, Trưởng ban Thúc đẩy kinh doanh - Khối khách hàng doanh nghiệp VietinBank Lê Việt Nga đưa ra 3 nhóm giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình số hóa. Thứ nhất, cung cấp nền tảng số Hệ thống bao thanh toán và tài trợ chuỗi cung ứng - Vietinbank SCF hiện đã hỗ trợ cho hơn 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực đa dạng như sản xuất ô tô, thực phẩm, nhóm ngành tiêu dùng nhanh FMCG, siêu thị bán lẻ, thức ăn chăn nuôi… với doanh số giao dịch thương mại hàng năm đạt gần 70.000 tỷ đồng;

Thứ hai, cung cấp toàn diện, số hóa các Phương thức thanh toán dành cho doanh nghiệp, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 đã phát huy hiệu quả tối ưu giúp các doanh nghiệp, người dân giao dịch an toàn, thông suốt. Hiện gần 80% khách hàng doanh nghiệp của VietinBank đang giao dịch trên kênh số và trong năm 2021 này đã chuyển dịch gần 70% lượng giao dịch của khách hàng doanh nghiệp từ kênh trực tiếp tại quầy lên các kênh số; Thứ ba, cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện cho các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số.

Để phát triển hơn nữa hoạt động XTTM trong nền kinh tế số, bà Lê Việt Nga đề xuất gia tăng, củng cố và hướng dẫn đối với các quy định pháp luật, hành lang pháp lý khi doanh nghiệp triển khai kinh doanh và giao dịch thương mại trên các nền tảng số, đặc biệt sự phối hợp giữa NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong việc tháo gỡ các vấn đề của ngân hàng; Tăng cường nguồn lực tài chính hỗ trợ từ nhiều nguồn, bao gồm Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các quỹ…; Tăng cường số hóa các dịch vụ hành chính công có liên quan trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiến hành số hóa hoạt động kinh doanh; Cuối cùng, đề xuất mở rộng và phát huy vai trò của các tổ chức trung gian trong chuỗi thương mại như các hiệp hội ngành hàng, ngân hàng, trung gian thanh toán, các công ty công nghệ để đẩy nhanh tiến trình số hóa hoạt động XTTM tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú nhấn mạnh vai trò của Hệ sinh thái. Ảnh: Khắc Kiên

4 đề nghị thực tiễn triển khai

Trước những kiến nghị, đề xuất, Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú cho biết, là đơn vị được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai Đề án 1968, Cục XTTM đang từng bước phối hợp với các đối tác và các nhà tư vấn xây dựng hướng dẫn cho các tổ chức, đơn vị triển khai.

Để triển khai hiệu quả Hệ sinh thái XTTM số, Bộ Công Thương (Cục XTTM) đề nghị: Thứ nhất, các bộ, ngành và địa phương cùng tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Đề án theo từng năm và theo giai đoạn của Đề án. Thứ hai, các hoạt động trong khuôn khổ Đề án cần triển khai đồng bộ trên cả nước để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư. Thứ ba, các địa phương có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu tham gia; khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan trên địa bàn tham gia Hệ sinh thái XTTM số. Thứ tư, doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch, chuẩn bị nguồn nhân lực để tham gia Hệ sinh thái XTTM số hiệu quả. Thứ năm, các công ty CNTT và chuyển đổi số hưởng ứng và tham gia tích cực, có trách nhiệm, đóng góp cùng xây dựng Hệ sinh thái XTTM số từng bước vận hành hiệu quả.

Mục tiêu được ông Vũ Bá Phú chỉ ra, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng, hình thành Hệ sinh thái XTTM số với 100% các tổ chức XTTM và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái XTTM số, 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm.

25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp và 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số. 100% các tổ chức XTTM và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số bảo đảm an toàn thông tin.

Đồng thời, ông Vũ Bá Phú cho biết, 100% các tổ chức XTTM và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu. 100% thủ tục hành chính lĩnh vực XTTM đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết trên môi trường điện tử.

Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện, phát triển Hệ sinh thái XTTM số; 75% các tổ chức XTTM và doanh nghiệp được cấp tài khoản thường xuyên hoạt động, tìm kiếm, cung cấp, chia sẻ thông tin trên Hệ sinh thái XTTM số; 50% các dịch vụ kết nối thị trường của doanh nghiệp được thực hiện trên Hệ sinh thái XTTM số, hỗ trợ 1.000.000 lượt doanh nghiệp… cũng như các chương trình, hoạt động, hỗ trợ khác sẽ được thực hiện trên nền tảng số.

Sơn La sẵn sàng tham gia Hệ sinh thái và mong có nhiều thông tin để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thị trường, trao đổi, phân phối các sản phẩm thế mạnh ra các tỉnh, nhất là xuất khẩu quốc tế dựa trên nền tảng số. Tôi đề xuất Cục XTTM làm tốt hơn nữa vai trò tổ chức sản xuất, XTTM tạo điều kiện tối đa cho Sơn La và cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận CNTT để phát huy lợi thế trong Hệ sinh thái…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần