Sở hữu trí tuệ và thương hiệu cho Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở hữu trí tuệ và thương hiệu sản phẩm dành cho Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là chủ đề cuộc hội thảo do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức ngày 8/9 tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều đại biểu, giảng viên giàu kinh nghiệm đến từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và bốn nước.

Theo ông Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, sở hữu trí tuệ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của mọi doanh nghiệp, tổ chức và mọi quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với nền kinh tế tri thức mà Việt Nam và các nước khác đang hướng tới.

 
Nước mắm Phú Quốc được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học Công nghệ Việt Nam bảo hộ tên gọi trong nước và tiến tới bảo hộ tại châu Âu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Thanh Vũ/TTXVN)
Nước mắm Phú Quốc được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học Công nghệ Việt Nam bảo hộ tên gọi trong nước và tiến tới bảo hộ tại châu Âu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Thanh Vũ/TTXVN)
Xây dựng chiến lược thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm địa phương đang thực sự trở thành một trong những công cụ hữu hiệu trong việc nâng cao uy tín, vị thế và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như các nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Thực tế nhiều công ty, doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công, nổi tiếng nhờ quảng bá sản phẩm địa phương và xác định các sản phẩm địa phương để xây dựng chiến lược thương hiệu. Đối với các doanh nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ cũng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Khi thương hiệu được bảo hộ và khai thác một cách tối ưu sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín, khả năng cạnh tranh, thị phần, doanh thu và lợi nhuận.

Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác cần thực hiện các biện pháp cần thiết cho việc phát triển thương hiệu của sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua chiến lược quảng bá thương hiệu - đối tượng liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quốc Thịnh - Trường Đại học Thương mại, cho biết ở Việt Nam, theo khảo sát mới nhất, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng nhãn hiệu/thương hiệu, sáng chế cực kỳ quan trọng trong hoạt động kinh doanh nhưng chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ doanh nghiệp quan niệm rằng có thể khai thác thương mại thông qua nhượng quyền và các hoạt động khác. Các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ còn quá ít. Gần 39% doanh nghiệp chưa hiểu thủ tục và nơi đăng ký sở hữu trí tuệ.

Ông David Faulks, Giám đốc điều hành Công ty Generation Alliance, cho rằng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình có dưới 10% giá trị tạo ra được giữ lại trong nước, có đến 65% giá trị thuộc về các khâu chế biến và phân phối ở thị trường xuất khẩu.

Bởi vậy, giai đoạn trước mắt, Việt Nam cần xác định sản phẩm chủ lực gắn với những khu vực địa lý, cộng đồng và câu chuyện độc đáo có thể thu hút được khách hàng mục tiêu. Bước tiếp theo phải xây dựng chiến lược thương hiệu mạnh mẽ để hỗ trợ các mục tiêu kinh doanh, đầu tư vào một quá trình sáng tạo trong đó có liên kết giữa ba yếu tố con người, địa điểm và sản phẩm; đảm bảo giá trị tối đa được giữ lại ở cấp địa phương.