Số lượng dự án nhà ở mới được cấp phép giảm 50%

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ DN giúp thị trường nhanh chóng vượt qua khó khăn, nhưng thực tế đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Nhiều chính sách được ban hành

Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, đặc biệt là trong quý II/2023, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới, cùng với những công điện chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm thão gỡ khó khăn cho thị trường BĐS: Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Công điện số 194/CĐ-TTg, Công điện số 469/CT-TTg ngày 25/5/2023, Công điện số 470/CT-TTg ngày 26/5/2023, Công điện số 634/CĐ-TTg.

Đồng thời, các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

Thị trường BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh internet
Thị trường BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh internet

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính...

“Tuy nhiên, theo báo cáo, đánh giá của một số tổ chức kinh tế và địa phương, lĩnh vực BĐS vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời, còn nhiều khó khăn thách thức, cụ thể như: về thể chế, pháp lý của các dự án, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu…và việc tổ chức, triển khai, thực thi của địa phương” – Cục trưởng Hoàng Hải cho hay.

... nhưng thị trường vẫn chưa hồi phục

Số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, từ đầu năm 2023 đến nay các hoạt động trên thị trường BĐS hết sức ảm đạm, đặc biệt là trong quý II. Cụ thể, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại chỉ có 7 dự án được hoàn thành, bằng khoảng 50% so với quý I/2023 và bằng khoảng 29,17% so với quý II/2022; Được cấp phép mới có 15 bằng khoảng 88,24% so với quý I/2023 và bằng 51,72% so với quý II/2022; Trong khi đó, số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai được đưa vào thị trong quý II chỉ có 51 dự án bằng khoảng 98,08% so với quý I/2023 và 63,75% so với quý II/2022.

 

Điểm nghẽn trong hành lang pháp lý, khâu tổ chức thi hành các quy định của pháp luật là nguyên nhân căn bản làm hạn chế sự phát triển bình thường ở thị trường BĐS, làm cho giá tăng cao, gây bất bình trong xã hội; mặt khác làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế - xã hội quốc gia khi nguồn lực lớn bị “đóng băng” ở các tài sản BĐS đã hình thành nhưng không được đưa vào lưu thông sử dụng và nguồn vốn lớn đầu tư cho lĩnh vực này không được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.

Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo BĐS, Nguyễn Đức Lập

Đáng chú ý, mặc dù nguồn cung giảm sút mạnh nhưng số lượng giao dịch cũng không mấy khả quan. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp từ 58/63 Sở Xây dựng các địa phương, trong quý II/2023 có 96.977 giao dịch thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ: 29.725 giao dịch thành công, bằng khoảng 75,61% so với quý I/2023, 43,03% so với quý II/2022. Lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 67.525 giao dịch thành công, bằng khoảng 31,57% so với quý II/2022.

“BĐS là một ngành kinh doanh phải hoàn thành các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác. Có lẽ chính vì BĐS phải chịu sự tác động điều tiết của 12 luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy và chữa cháy… Vì vậy, điều đầu tiên chúng tôi cho rằng muốn BĐS phát triển trở lại để làm động lực phát triển cho cả nền kinh tế là phải cải tổ hệ thống luật pháp thật hoàn chỉnh” – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị.