Sợ mưa lớn, người dân Hà Nội tích trữ thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước dự báo về sức ảnh hưởng của bão Haiyan, cơn bão được đánh giá là một trong...

Kinhtedothi - Trước dự báo về sức ảnh hưởng của bão Haiyan, cơn bão được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh với diễn biến phức tạp, ngay từ sáng sớm ngày 10/11, dù là Chủ nhật, nhưng tại nhiều khu chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… trên địa bàn Hà Nội đã rất đông người dân tranh thủ mua thực phẩm, rau, quả để dự trữ trong những ngày  sắp tới.

Nhu cầu thực phẩm tăng đột biến

Theo quan sát của phóng viên, tại các chợ trên địa bàn TP, dù giá nhiều mặt hàng rau xanh đã tăng lên vài ngàn đồng so với giá của ngày hôm trước nhưng lượng người mua vẫn lớn. Cụ thể bí đỏ, bí xanh giá 9.000 - 10.000 đồng/kg. Rau ngót 5.000 đồng/mớ, tăng 1.000 đồng. Rau cải xanh 17.000 - 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 4.000 đồng. Cà chua 15.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng. Rau muống 8.000 đồng/mớ, tăng 2.000 đồng… Chỉ mới 10 giờ sáng ngày 10/11 nhưng do lượng người mua đông nên mặc dù đã phải nhập thêm nhưng quầy hàng rau của chị Hà, ở phường Bách Khoa chỉ còn một ít rau ngót và cải xanh.

 
Người tiêu dùng chủ động mua thực phẩm, rau xanh để dự trữ trong ngày mưa bão. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài  Nam
Người tiêu dùng chủ động mua thực phẩm, rau xanh để dự trữ trong ngày mưa bão. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Trong khi đó, tại hệ thống siêu thị sức tiêu thụ các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, mỳ tôm, gạo… cũng biến động mạnh. Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long cho biết: Ngay trong sáng ngày 10/11, lượng rau, củ, các mặt hàng  thực phẩm tươi sống, mỹ tôm, gạo… bán ra của siêu thị tăng khoảng 50% so với ngày thường. Nhiều siêu thị khác như: Fivimart, Hapro Mart… cũng trong tình trạng tương tự.

Nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung

Nhằm đảm bảo hàng hóa cung ứng ra thị trường trong những ngày mưa bão sắp tới, các siêu thị và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá cũng đã có sự chuẩn bị nhất định.

Theo bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Fivimart): Trước thông tin bão Haiyan sẽ ảnh hưởng tới nhiều tỉnh Bắc Bộ, ngoài việc bảo đảm lượng hàng dự trữ, Fivimart đã đề nghị các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm phải đảm bảo nguồn hàng cung ứng theo hợp đồng đã ký. Riêng mặt hàng rau xanh, củ quả… ngoài nguồn rau ở Đông Anh, siêu thị đã tăng cường thu mua các loại rau, củ quả tại các tỉnh Sơn La, Thái Bình.

Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết: Đơn vị đã chủ động tạm ứng, đặt cọc và thanh toán cho các đơn vị cung ứng hàng hóa để đảm bảo lượng hàng hóa trong những ngày tới. Lượng hàng hóa này được bày bán tại hệ thống siêu thị Hapro Mart và 51 điểm bán hàng bình ổn giá tại 12 quận huyện. Ngoài ra, Hapro còn chuẩn bị sẵn 26 xe tải, trọng tải từ 500 - 3.000kg sẵn sàng vận chuyển hàng cứu trợ và và bình ổn giá đến các điểm bị ngập lụt.

Bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Cùng với việc UBND TP ứng hơn 318 tỷ đồng cho 13 doanh nghiệp dự trữ nhiều nhóm hàng thiết yếu bảo đảm đáp ứng khoảng 20% tổng mức tiêu thụ của người dân trong một tháng, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có công văn đề nghị TP cho phép các xe chuyển trở hàng hóa trong khu vực nội thành được phép chạy 24/24 giờ. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ để nâng giá hàng hóa, kiểm lời bất chính.

Cùng với các ngành khác, ngành công thương TP đã có sự chuẩn bị khá tích cực nhằm đối phó với những diễn biến thất thường của cơn bão Hayian.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần