Số người tử vong do tai nạn giao thông gia tăng, vì sao?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi số vụ tai nạn và số người bị thương đều giảm thì số người chết vì tai nạn giao thông trong kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 lại gia tăng. Giới chuyên gia cho rằng, bảo đảm ATGT cần thực hiện đa chiều, bền vững bởi thủ phạm gây tai nạn không chỉ có mỗi “ma men”.

Kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 kéo dài 7 ngày đã chính thức khép lại, người dân cả nước rậm rịch bước vào những ngày làm việc đầu tiên trong năm mới. Đây cũng là lúc chúng ta cùng nhìn lại công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) dịp lễ Tết vừa qua. Đặc biệt, năm nay lực lượng chức năng đã có sự “giúp sức” của Nghị định 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt - văn bản luật được chú ý và đánh giá rất cao trong thời gian qua.
Khi có Nghị định 100 “giúp sức”
Đánh giá về tình hình trật tự, ATGT trong 6 ngày nghỉ Tết Canh Tý 2020 (từ 23/1 đến 28/1, tức từ 29 Tết đến ngày mùng 4 Tết), lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, tình hình trật tự ATGT về cơ bản được bảo đảm tốt, hạn chế ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính; năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Tai nạn thương tích nói chung và TNGT nói riêng liên quan tới nồng độ cồn đã giảm sâu so với các năm trước.
 Hiện trường vụ lật xe khách xảy ra tại Phú Yên vào ngày đầu năm mới Canh Tý 2020. Ảnh: Quý Nguyễn
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca cấp cứu do TNGT đã giảm 18,2% so với kỳ Tết Kỷ Hợi 2019, riêng ngày mùng 4 Tết giảm 23,5%. Để đạt được điều này là nhờ các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CTT-TTg của Thủ Tướng Chính phủ ngày 16/1/2020 Về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, được Nhân dân đồng tình, dư luận đánh giá cao.
Đặc biệt, kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 tiếp tục ghi nhận công lao của lực lượng chức năng các địa phương, đặc biệt là CSGT, TTGT. Các đơn vị trên tiếp tục hiện tốt tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Để có được những kết quả đáng khích lệ trên, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, các địa phương và lực lượng chức năng trên cả nước thì không thể không nhắc đến sự “giúp sức” kịp thời của Nghị định 100.NĐ-CP. Dù văn bản luật này mới được ban hành vào cuối năm 2019 và chỉ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 nhưng những chế tài khắt khe và đủ mạnh trong Nghị định đã trở thành trợ thủ đắc lực cho lực lượng chức năng trong việc cưỡng chế vi phạm giao thông, do đó vấn nạn sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông đã giảm hẳn trong kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 năm nay.
Thống kê về tình hình TNGT trong 6 ngày nghỉ Tết Canh Tý 2020 cho thấy, cả nước xảy ra 174 vụ TNGT, làm chết 122 người và bị thương 150 người. So sánh với cùng kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi thì số vụ TNGT giảm 7,4% (tương đương 14 vụ), số người bị thương giảm 27,11% (tương đương 32 người) và số người chết tăng 7,96% (tương đương 9 người).
Trong đó, một số ngày có người chết do TNGT tăng cao trong kỳ nghỉ là: ngày 23/1/2020 (29 Tết) tăng 6 người chết (+35%), ngày 25/1/2020 (mồng 1 Tết) tăng 7 người chết (+ 47%), ngày 27/1/2020 (mồng 3 Tết) tăng 3 người chết (18,7%). Ủy ban ATGT quốc gia nhận định, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT có nạn nhân tử vong và bị thương nặng chủ yếu là liên quan tới vi phạm quy định nồng độ cồn, tốc độ khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy, xe đạp điện tại một số địa phương, đặc biệt tại các vùng nông thôn.
Chưa trọn vẹn…
Điều dễ nhận thấy là mặc dù TNGT trong 6 ngày nghỉ Tết Canh Tý 2020 đã giảm được 2/3 tiêu chí là số vụ và số người bị thương, nhưng tiêu chí quan trọng nhất là số người tử vong trong các vụ TNGT lại đột ngột gia tăng. Bất chấp thống kê tích cực của Bộ Y tế về số ca cấp cứu do TNGT đã giảm 18,2% so với kỳ Tết Kỷ Hợi 2019 song đây vẫn là hiện tượng đáng suy nghĩ.
Thậm chí, ngày 27/1 (tức mùng 3 Tết), sau khi kỳ nghỉ Tết Canh Tý trải qua 5 ngày mà số người chết đã gia tăng trên 12% so với cùng kỳ năm trước, Ủy ban ATGT quốc gia đã ban hành Công điện số 01/CĐ-UBATGTQG đề nghị các bộ ngành liên quan tìm giải pháp kiềm chế TNGT và bảo đảm trật tự, ATGT những ngày còn lại của kỳ nghỉ cũng như sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020.
Trong công điện phát đi, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện 1658 của Thủ tướng Chính phủ, việc bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân 2020. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách như huy động tối đa lực lượng công an, nòng cốt là CSGT, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT; tập trung xử phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ; không đội mũ bảo hiểm; có phương án điều tiết giao thông, phân luồng từ xa, kịp thời công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, đặc biệt là trên các tuyến giao thông trọng điểm hướng đi vào Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác; chỉ đạo các cơ sở Y tế tăng cường công tác cứu chữa các nạn nhân bị tai nạn thương tích, nhất là các nạn nhân TNGT; kiểm tra nồng độ cồn và ma tuý tất cả các nạn nhân TNGT vào cấp cứu tại cơ sở y tế…
Một ngày sau đó (ngày 28/1, tức mùng 4 Tết), trong chuyến thăm hỏi các bác sĩ và nạn nhân tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cũng đưa ra nhận định, tính riêng trong 5 ngày Tết Nguyên đán, chỉ giảm được số vụ và người bị thương, còn số người chết vì TNGT lại tăng cao hơn năm trước. Đồng thời, ông Khuất Việt Hùng khẳng định, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu ngành Công an phân tích để tìm ra nguyên nhân tại sao số người tử vong vì TNGT trong 5 ngày đầu của kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 lại gia tăng như thế.
Thủ phạm đâu chỉ có “ma men”
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị vào chiều 29/1 (tức mùng 5 Tết), TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông khẳng định, việc đẩy mạnh công tác kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua đã mang lại hiệu quả lớn nhưng hiệu quả đó lại không mang tính toàn diện để giải quyết tất cả các vấn đề đang là nguyên nhân gây TNGT ở nước ta. Đây cũng là nguyên nhân tại sao số vụ TNGT và số người bị thương trong các vụ TNGT giảm nhưng số người chết lại gia tăng trong nhưng ngày nghỉ Tết.
“Trước hết, cần phải khẳng định công tác cưỡng chế bao giờ cũng có tác dụng rất lớn nhưng mặt hạn chế của nó là không thể thực hiện trên nhiều lĩnh vực cùng lúc. Bởi thế cưỡng chế thường là phương pháp áp dụng trọng điểm ở từng giai đoạn. Cụ thể với giai đoạn hiện nay chúng ta đang áp dụng là trọng điểm đối với vấn đề vi phạm nồng độ cồn. Những vấn đề khác, những vi phạm giao thông khác thì cần phải được cưỡng chế trọng điểm ở những thời điểm khác” - TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, đây là hạn chế trong công tác cưỡng chế không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, khi số người chết vẫn tăng mà số vụ TNGT giảm chứng tỏ những vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thương vong cho nhiều người vẫn ở mức cao. Đây là hiện tượng có tính quy luật của TNGT ở nước ta đã từng được các nhà khoa học nghiên cứu và phát biểu. Theo các nhà khoa học thì TNGT ở nước ta có tính quy luật, cứ khoảng 5 năm một lần lại bùng phát mạnh. Hiện tại đang ở khoảng giữa của chu kỳ 5 năm ấy nên số vụ TNGT không tăng nhưng ngược lại số người chết lại tăng.
Riêng với vấn đề nồng độ cồn, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, đây chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT chứ không phải là nguyên nhân lớn nhất, càng không phải nguyên nhân duy nhất. Nên nhớ rằng, phần lớn các vụ TNGT xảy ra do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông. Trong khi đó, lỗi chủ quan không phải chỉ do nồng độ cồn mà còn nhiều nguyên nhân khác. Trong đó nhiều trường hợp tai nạn xảy ra do lái xe buồn ngủ. “Một trong những giải pháp quan trọng để giảm TNGT, giảm số người chế trong các vụ TNGT là phải kiểm soát nghiêm ngặt tình trạng sức khỏe của lái xe. Phải đảm bảo họ luôn trong tình trạng tỉnh táo khi điều khiển phương tiện ra đường. Điều này lại chưa được đặt ra” - TS Nguyễn Hữu Đức phân tích và cho rằng, việc quá tập trung vào công tác kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng là điều không nên bởi thủ phạm gây TNGT không chỉ có “ma men sau tay lái”.
Để kéo giảm TNGT một cách bền vững chính là làm sao kéo giảm số người chết vì TNGT chứ nếu chỉ giảm số vụ trong khi số người chết lại gia tăng thì hiệu quả của công tác bảo đảm ATGT sẽ không trọn vẹn.

"Sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý, Nhân dân các tỉnh sẽ quay trở lại Hà Nội làm việc, du Xuân, học sinh, sinh viên các trường trở lại học tập… nên dự đoán lưu lượng người và phương tiện trên địa bàn TP sẽ tăng cao. Để bảo đảm ATGT trên địa bàn, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tập trung 100% lực lượng tập trung điều hành hướng dẫn giao thông; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại trên 15 tuyến QL, trục đường chính ra vào trung tâm Hà Nội. Trong năm 2020, CSGT Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuần tra lưu động, tập trung xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT; đặc biệt sẽ đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm qua hệ thống camera và tiếp tục duy trì xử lý nghiêm vi phạm nồng độ ccồn." - Đại tá Dương Đức Hải - Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội


"Trên thực tế, trong những năm gần đây, số người tử vong trong các vụ TNGT, đặc biệt là các vụ TNGT nghiêm trọng ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi theo thời gian, ý thức của người tham gia giao thông sẽ ngày một được cải thiện, hệ thống hạ tầng giao thông cũng ngày một tốt hơn. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng trên? Phải tìm ra được nguyên nhân, chỉ ra rõ các thủ phạm khiến số vụ TNGT nghiêm trọng gia tăng thì mới đưa ra được giải pháp hữu hiệu để kéo giảm tai nạn, hạn chế thương vong một cách bền vững." - Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức


"Số liệu của ngành y tế về số ca tiếp nhận TNGT giảm 17% đã phản ánh thực trạng trật tự ATGT chuyển biến tốt hơn rất nhiều so với năm trước. Trong khi năm nay, lượng phương tiện, mật độ giao thông gia tăng cao thì TNGT được kiềm chế. Kết quả tích cực này có phần đóng góp quan trọng của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019. Đặc biệt, số liệu từ các bệnh viện lớn trên cả nước cho thấy, số ca nhập viện do TNGT dương tính với nồng độ cồn đã giảm khoảng 50% so với cùng kỳ dịp nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019." - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng