Sợ như… thăng hạng

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa này, giải hạng Nhất quốc gia có 1,5 suất thăng hạng. Trong đó, có một suất thăng hạng trực tiếp và 0,5 suất còn lại thông qua những trận play-off.

Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã có vé lên chơi ở V.League mùa sau, trong khi chiếc vé còn lại không được đón nhận một cách hồ hởi.

Để tăng thêm sự hấp dẫn cho hành trình tìm vé đến sân chơi chuyên nghiệp, Ban tổ chức giải đã điều chỉnh thể thức thi đấu. Theo đó, để giành quyền dự trận play-off của mùa giải với đội xếp thứ 13 V.League, các đội hạng Nhất phải trải qua 2 trận play-off. Đội xếp thứ 3 sẽ đá với đội xếp thứ 4 và đội chiến thắng sẽ đá play-off với đội xếp thứ 2. Đội thắng trong trận play-off này sẽ đá với đội xếp áp chót giải chuyên nghiệp.

VPF muốn tăng tính hấp dẫn trong cuộc đua giành vé chuyên nghiệp. Thế nhưng, bản thân những đội bóng có cơ hội lại không tỏ ra mặn mà. Đồng Nai trước khi dự tranh trận play-off với Nam Định đã phát tín hiệu “buông súng”. Họ thanh lý một loạt cầu thủ và bản thân thuyền trưởng Trần Bình Sự cũng xác định sẽ chia tay đội bóng sau trận đấu.
Sợ như… thăng hạng - Ảnh 1
Nam Định và Viettel cũng tỏ ra hài lòng về thứ hạng ở mùa giải này. Viettel đặt mục tiêu lọt vào Top 3 nhưng đã xếp thứ 2. Nam Định xếp thứ 3 không phải là quá kém với mức đầu tư hiện tại. Hai đội bóng này sẽ gặp nhau và đội chiến thắng sẽ giành quyền đi tiếp. Nếu trong trường hợp một trong hai đội bóng giành thăng hạng thì đó quả là kỳ tích. Họ đã nhận được cam kết từ lãnh đạo là sẽ đầu tư trong trường hợp phải chơi ở V.League. Nhưng nếu có sảy chân, phải trở lại với giải hạng Nhất thì bản thân người trong cuộc cũng không quá buồn. Họ coi việc tiếp tục thi đấu ở sân chơi này như là sự chuẩn bị cho tương lai.

Cách đây không lâu, các cầu thủ Cà Mau nhất tề đòi lãnh đạo đội bóng hoàn thành trách nhiệm tài chính. Họ yêu cầu được thanh toán tiền lót tay, tiền lương và thưởng trước khi mùa giải khép lại. Dù ở giải hạng Nhất, số tiền này không lớn nhưng các cầu thủ không muốn giống với các đồng nghiệp tại An Giang, Kiên Giang và nhiều đội bóng trước đây.

Cà Mau là trường hợp đặc biệt ở giải hạng Nhất. Họ từng tuyên bố không dự giải vì hết tiền nhưng được động viên đã lập công ty cổ phần làm bóng đá. Khi động viên đội bóng này, nhiều người đã vẽ ra viễn cảnh vô cùng tươi sáng nhưng khi bước vào cuộc chơi, ban lãnh đạo đội bóng cảm thấy bất lực vì bóng đá không thể nuôi bóng đá như lý thuyết được giảng.

Không chỉ có Cà Mau, Đồng Tháp - đội bóng nắm bắt rất nhanh bóng đá chuyên nghiệp cũng gặp khó khăn về tài chính. Dù đã đẩy mạnh kinh doanh, tăng cường khai thác hợp đồng quảng cáo nhưng Đồng Tháp vẫn không thể gia tăng nguồn thu. Họ để những cầu thủ tốt nhất ra đi và mua về những cái tên vô danh. Và ngay tức thì, đội bóng này rơi vào khủng hoảng không có lối thoát. Thành tích đi xuống, kinh doanh bóng đá vì thế mà lao dốc theo. Đến thời điểm này, Đồng Tháp đã chính thức rớt hạng và không biết đến bao giờ mới trở lại sân chơi chuyên nghiệp.

Bóng đá là một cuộc chơi tốn kém. Các đội bóng không thể dựa hoàn toàn vào Nhà nước cũng như DN. Họ phải tìm ra được cơ chế để có thể thu hút được DN nhưng phải nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để có được một mô hình chuẩn trong bối cảnh bóng đá vẫn chưa lên chuyên nghiệp là bài toán vô cùng nan giải. Nó đòi hỏi những người trong cuộc phải thạo việc, có tầm nhìn và mối quan hệ sâu rộng. Nhưng, đây lại là điều không dễ có ở một nền bóng đá với những con người vốn quá quen với việc sống dựa vào bầu sữa bao cấp hoặc DN. Và thế là người ta luôn bị ám ảnh dù với một điều đáng mừng là giành quyền thăng hạng ở giải đấu cao nhất.