Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số phận chưa được định đoạt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần 3 năm qua, truyền thông toàn cầu dường như đã trở nên mệt mỏi trước những tiến triển ít khả quan trong vấn đề nợ công của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhưng số phận của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới này vẫn là dấu hỏi lớn.

Trong bối cảnh nguồn tiền đang ngày càng trở nên khan hiếm, các chuyên gia cho rằng việc thành lập một Liên minh ngân hàng sẽ là “giải pháp cuối cùng” để đưa Eurozone thoát khỏi tình trạng sức khỏe yếu kém như hiện nay. Cuộc họp của Ủy ban châu Âu (EC) trong ngày 11/9 để thảo luận về phương án ủy quyền cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là cơ quan giám sát chính đối với 6.000 ngân hàng của khu vực được coi là một bước đi mạnh tay nhằm chấn chỉnh tình hình tài chính khu vực.
 
Số phận chưa được định đoạt - Ảnh 1
Việc thành lập một liên minh ngân hàng sẽ là “giải pháp cuối cùng” để cứu Eurozone.
 
 
Trước đó, việc ECB quyết định sẽ thực hiện chương trình giải cứu lớn chưa từng có trong lịch sử bằng cách mua tất cả trái phiếu Chính phủ của các nước thành viên gặp khó khăn về kinh tế đã thổi luồng sinh khí mới vào thị trường châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung.Vượt qua những tranh cãi trong nước, Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối cùng đã đồng tình với "phương thuốc" nhằm cứu nguy châu Âu trên của ECB. Tuy nhiên, nhiều chính khách Đức vẫn cho rằng, vận hành cỗ máy in tiền với cường độ lớn để bơm cho các quốc gia thiếu hụt có thể làm tan vỡ hệ thống tiền tệ của Eurozone.

Số phận của đồng Euro vẫn đang nằm trong tay các chính trị gia người Đức khi Tòa án Hiến pháp Đức sắp đưa ra phán quyết về Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - Quỹ cứu trợ thường trực của Eurozone. Nhiều khả năng Tòa án này sẽ không phản đối ESM, nhưng rất có thể sự chán ngán của người dân nước này khi phải nai lưng ra trả nợ cho các quốc gia khác sẽ tác động đến quyết định của cơ quan hành pháp quyền lực nhất nước Đức. Trong trường hợp tính hợp pháp của ESM không được thông qua, Eurozone sẽ không có đủ ngân quỹ để tài trợ cho các nước thành viên đang mắc nhiều nợ như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia.

Giữa lúc Eurozone vẫn đang nguy cấp, Hy Lạp và "bộ ba" tham gia cứu trợ gồm EC, ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn còn phải đi một "chặng đường dài" để tìm ra được tiếng nói chung trong việc đàm phán về gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà nước này phải thực hiện để nhận được khoản tiền tối cần thiết giúp Athens  thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào mùa Thu tới. Trong lúc các chủ nợ muốn Hy Lạp giải quyết vấn đề gian lận tài chính nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước, đẩy nhanh kế hoạch tư nhân hóa, theo đuổi chương trình cải tổ thị trường lao động thì Athens đang phải đối phó với một làn sóng biểu tình quy mô rộng hơn, dữ dội hơn của các tầng lớp nhân dân nhằm chống lại các gói chi tiêu khắc khổ.

Tình hình tại Hy Lạp, sự gia tăng tỷ lệ lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha, Italia cùng với tình trạng suy giảm kinh tế của Đức, Pháp cho thấy số phận của Eurozone vẫn chưa thể được định đoạt.