Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Số phận” của chiếc xe Mercedes S400 trong vụ Hải idol

Minh Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hải idol, cơ quan chức năng đã tạm giữ chiếc xe Mercedes S400 không gắn biển. Vậy chiếc xe ô tô này sẽ bị xử lý ra sao?

“Số phận” của chiếc xe Mercedes S400 trong vụ Hải idol - Ảnh 1
Đoàn xe rước dâu dừng lại giữa đường để chụp ảnh. Ảnh cắt từ clip

Khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giữ xe

Ngày 18/5, CA huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội gây rối trật tự công cộng trong vụ đoàn rước dâu bằng xe sang dừng đỗ trên tuyến đường trục Bắc - Nam để chụp ảnh. Trong đó, 2 người bị khởi tố và tạm giam tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự gồm: Phạm Đức Hải (SN 1996, thường gọi là Hải "idol", trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương), Vương Đình Trường (SN 2004, trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Nguyễn Văn Năm (SN 1999, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương) và Phạm Ngọc Phong (SN 1999, trú tại phường Thanh Bình, TP Hải Dương) bị khởi tố tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan chức năng, chiều 21/4, tranh thủ đám cưới của Nguyễn Văn Nam, Hải đưa ra ý tưởng dàn hàng ngang 4 xe BMW, Porsche, Mercedes, Range Rover (xe đi thuê) giữa đường trên trục Bắc - Nam qua xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, để chú rể và cô dâu chụp ảnh, quay phim, phát trực tiếp trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác. Sự việc làm ách tắc giao thông tại khu vực trên và gây bức xúc cho những người tham gia giao thông, người dân địa phương và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Cảnh sát sau đó tạm giữ giấy phép lái xe ô tô của 4 người trên và tạm giữ ô tô nhãn hiệu Mercedes S400 không gắn biển số để xác minh, xử lý.

Chiếc xe Mercedes S400 là vật chứng vụ án

Từ vụ việc này, “số phận” của chiếc xe Mercedes S400 sẽ ra sao là thắc mắc của không ít người. Về việc này, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn – Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã cho biết, với thông tin nêu trên, chiếc xe Mercedes S400 đang bị tạm giữ trong vụ án liên quan đến Hải "idol" sẽ được xác định là vật chứng của vụ án. Theo đó, tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng trong vụ án hình sự là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự được thực hiện theo Điều 6 của Bộ luật này. Quy định như sau: việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

Nếu vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước; vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy; vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Theo quy định trên, chiếc xe sẽ bị thì cơ quan điều tra sẽ tạm giữ làm vật chứng để phục vụ cho hoạt động điều tra. Theo đó, chiếc xe sẽ được giữ để phục vụ điều tra vụ án, khi kết thúc thời hạn điều tra hoặc không cần thiết giữ để điều tra thêm thì CQCA sẽ trả lại chủ sở hữu.

Còn trường hợp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án thì vật chứng sẽ được lập tức trả lại chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu vật chứng vi phạm các quy định hành chính, trước khi trả lại vẫn có thể ra quyết định xử phạt tiền và tịch thu nếu vi phạm điểm a khoản 4; điểm b khoản 6, Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP.