So sánh 2 thuốc uống trị Covid-19 tiềm năng của Merck và Pfizer

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các công ty dược phẩm hàng đầu của Mỹ là Merck và Pfizer đã công bố những kết quả khả quan đối với thuốc uống điều trị Covid-19, mang đến hy vọng mở ra một chương mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch dai dẳng.

Hình ảnh những viên thuốc uống trị Covid-19 tiềm năng molnupiravir do Merck công bố.
Vào đầu tháng 10 năm nay, Merck cho biết công ty đã có kế hoạch xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vì Covid-19 ở Mỹ đối với thuốc viên molnupiravir, và Pfizer cũng đã nộp đề xuất tương tự đối với thuốc viên paxlovid hôm 5/11 vừa qua. Nếu hiệu quả của những loại thuốc này được xác nhận, đó sẽ là một bước tiến lớn, hợp lực cùng vaccine để tăng cường cho “kho vũ khí” trị liệu của thế giới trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2.

Molnupiravir và paxlovid đều được chỉ định sử dụng trong 5 ngày liên tiếp. Liều dùng của paxlovid là 3 viên vào buổi sáng và 3 viên vào ban đêm. Đối với thuốc của Merck là 4 viên vào buổi sáng và 4 viên vào ban đêm. Cả 2 đều là những thuốc ngăn chặn virus hoạt động bằng cơ chế làm giảm khả năng sao chép của virus, từ đó làm chậm quá trình phát bệnh.

Thuốc paxlovid của Pfizer là một phần của nhóm được gọi là chất ức chế protease, được thiết kế để ngăn chặn một loại enzyme mà virus SARS-CoV-2 cần cho hoạt động nhân lên. Theo Pfizer, do thuốc chỉ nhắm vào một phần mà virus cần thiết để nhân lên nên mầm bệnh không thể kháng thuốc điều trị.

Paxlovid được dùng kết hợp với ritonavir, một loại thuốc kháng virus cũ giúp tăng cường hoạt động của chất ức chế protease, nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và ảnh hưởng đến một số loại thuốc trị bệnh khác.

Trong khi đó, thuốc molnupiravir của Merck, được hãng này kết hợp phát triển với nhà sản xuất Ridgeback Biotherapeutics (Đức), là một chất tương tự nucleoside với cơ chế hoạt động nhằm đưa các lỗi vào mã di truyền của virus. Do thuốc tạo ra các đột biến ngẫu nhiên đối với virus, nên virus SARS-CoV-2 được cho sẽ khó phát triển hay trở nên kháng thuốc.

Cả 2 hãng sản xuất cho biết các thử nghiệm lâm sàng cho thấy nguy cơ nhập viện giảm mạnh ở người dùng thuốc viên của họ. Những người dùng molnupiravir cho thấy nguy cơ bệnh nặng phải hỗ trợ y tế giảm 50% và tỷ lệ ở những người dùng paxlovid là gần 90%.

Tuy nhiên cho đến nay, rất khó để so sánh hiệu quả của 2 loại thuốc này vì cả hai công ty Merck và Pfizer mới chỉ đưa ra các tuyên bố về kết quả mới nhất, thay vì công bố dữ liệu về quá trình thử nghiệm lâm sàng của họ.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Pháp Karine Lacombe từng đưa ra cảnh báo hồi tháng 9/2021 rằng, những loại thông báo về hiệu quả của thuốc trị Covid-19 nên được đưa ra một cách “thận trọng”, khi mà các nghiên cứu vẫn đang trong quá trình được đánh giá một cách kỹ lưỡng. “Những phương pháp điều trị này đại diện cho một thị trường tiềm năng to lớn cho các tập đoàn dược phẩm”, bà Karine nói.

Một số nhà nghiên cứu khác thì lưu ý, các nhà sản xuất không nên chỉ giới hạn việc đánh giá ở tỷ lệ nhập viện, mà còn cần có những số liệu về nằm viện kéo dài do Covid-19 ở người sử dụng thuốc. Chính điều này khiến việc phân tích dữ liệu để đánh giá thuốc trở nên phức tạp và cần thêm thời gian.

Bất chấp những dấu hỏi về hiệu quả, molnupiravir của Merck đã được phê duyệt ở Vương quốc Anh, nơi các cơ quan y tế hôm 4/11 đã “bật đèn xanh” cho việc sử dụng thuốc ở những bệnh nhân có nguy cơ diễn tiến nghiêm trọng, chẳng hạn như người già, người béo phì hoặc những người mắc bệnh tiểu đường.

Cùng ngày, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã hứa sẽ “đẩy nhanh" các thủ tục xem xét đối với thuốc này, mặc dù chưa đưa ra hạn định cụ thể. Một số quốc gia đã đặt hàng dự trữ molnupiravir dù chưa phê duyệt, chẳng hạn như Mỹ với đơn hàng 1,7 triệu gói thuốc.
Đáng chú ý, đơn đặt hàng của Mỹ đã tiết lộ một mức giá cao ngất ngưởng đối với molnupiravir, lên đến 1,2 tỷ USD, tương đương với khoảng 700 USD cho một liệu trình 5 ngày. Đối với Pfizer, mặc dù chưa đưa ra mức giá cụ thể cho paxlovid, nhưng hãng này đã hứa rằng nó sẽ ở mức “phải chăng” và tuân theo phương pháp định giá theo từng cấp độ dựa trên mức thu nhập của các quốc gia.
Trong một cuộc họp báo hôm 5/11, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đã đặt mua hàng triệu liều paxlovid đang được thử nghiệm, và chỉ chờ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để có thể sớm sở hữu loại thuốc này.
Pfizer và Merck nói rằng họ đang nỗ lực để mở rộng khả năng tiếp cận thuốc trên toàn cầu. Pfizer cho biết, công ty dự kiến sẽ sản xuất hơn 180.000 liệu trình vào cuối năm nay, với sản lượng ít nhất 50 triệu liều được lên kế hoạch cho năm 2022. Merck cho biết họ dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu liệu trình vào cuối năm nay, với ít nhất 20 triệu liều sẽ được sản xuất vào năm 2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần