Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sổ tay kinh tế: Cụ thể và xác thực

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì ban hành vào tháng 3 - 4 hằng năm, năm nay Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 được ban hành ngay từ đầu năm.

Đây là năm thứ tư Nghị quyết 19 được ban hành nhưng là năm đầu tiên nội dung Nghị quyết được đưa vào bàn trong hội nghị Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương cùng nhau hiểu và cùng vào cuộc nhằm tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ được thể hiện bằng các mục tiêu cụ thể trong khởi sự kinh doanh; Bảo vệ nhà đầu tư; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng… mà Nghị quyết còn chỉ rõ lộ trình, các lĩnh vực cần tập trung cải thiện, đơn vị chịu trách nhiệm. Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cải thiện các chỉ số theo phân công và tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 28/2/2017. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ gắn với từng chỉ số được phân công.

Thực tế, Nghị quyết 19 qua các lần ban hành đã góp phần không nhỏ định hướng cho việc đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Song với Nghị quyết lần này, do tiếp thu, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ cơ sở nên không ít vấn đề mà DN, người dân, nhà đầu tư trông chờ được dành ưu tiên giải quyết như: Yêu cầu các bộ, ngành chức năng trong việc rà soát, bãi bỏ, sửa đổi các quy định chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với các quy định mới; Xây dựng tiêu chí nhập khẩu máy móc, thiết bị theo tuổi thiết bị; Thực hiện liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao, cho thuê, đăng ký đất; Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh kết nối trực tuyến với Cổng thông tin một cửa quốc gia, kiểm tra chuyên ngành… Những văn bản, thủ tục vốn do chính các cơ quan quản lý xây dựng lên nhưng trong thực tế vô hình chung lại làm khó DN, nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Chính vì thế nếu không có quyết tâm sẽ không thể giải quyết được tận gốc.

Sau 25 năm nỗ lực, Việt Nam đã vươn lên từ một quốc gia nghèo, chậm phát triển trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nội dung xuyên suốt trong các Nghị quyết 19 được ban hành thời gian qua đã thẳng thắn chỉ rõ, Việt Nam vẫn đang “chạy sau” các nước ở trong khu vực trên nhiều khía cạnh. Do đó, chặng đường để trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao và phát triển, môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn phải phấn đấu nhiều hơn thế. Điều đó cũng có nghĩa đòi hỏi phải tận dụng thời gian, tận dụng các cơ hội cũng như quyết tâm cải thiện lớn mà Nghị quyết 19 đề cập tới.