Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Để ngân sách thặng dư bền vững

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thặng dư ngân sách là mục tiêu của đa số các quốc gia. Và câu chuyện điều hành làm sao để đạt được mục tiêu này là việc quan trọng mà nhiều cơ quan trong đó có Bộ Tài chính đang quan tâm.

Tính đến hết tháng 7, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 891,7 nghìn tỷ đồng, thu nội địa đạt tới 724,68 nghìn tỷ đồng, bằng 61,8% dự toán, tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2018. Tổng chi ngân sách 7 tháng đạt 776,86 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. Những con số này cho thấy nỗ lực của ngành tài chính và các cơ quan liên quan trong kiểm soát thu - chi, điều hành ngân sách với mức thặng dư đáng kể.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Đáng chú ý, trong 5/12 khoản thu đạt khoảng 56 - 60% dự toán có 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh là thu từ khu vực DN nhà nước (56,9%), thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (59,1%) và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (60,1%). Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, số thu từ khu vực sản xuất kinh doanh mang tính bền vững vẫn tiếp tục giữ phong độ hoặc phát huy tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.
Để có được con số thu khá đẹp này, không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành tài chính. Trong đó, cơ quan thuế đã tập trung triển khai công tác thu ngay từ đầu năm, rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm tra việc kê khai thuế, quyết toán thuế của DN, phấn đấu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào ngân sách nhà nước.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng khởi sắc nhờ tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tất nhiên, bên cạnh công tác thu, để thặng dư ngân sách không chỉ cần thu tốt mà còn kiểm soát chi tốt. Từ đầu năm 2019, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các đơn vị dự toán thuộc Bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước.
Để giảm bội chi, giảm chi, Bộ Tài chính đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 07-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách, nợ công; Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020 với mục tiêu giảm mức bội chi NSNN giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP.
Nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ ngân sách Nhà nước, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tình trạng nợ công; đồng thời tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, trốn thuế... đã được thực hiện.
Ngoài siết chặt, câu chuyện thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong thu - chi ngân sách là câu chuyện cần bàn đến. Thực tế, thời gian qua, đâu đó vẫn có nhiều đại án khiến ngân sách thất thu hàng nghìn tỷ đồng, nợ thuế vẫn ở con số cao, chi tiêu công lãng phí… Vì vậy, để thặng dư ngân sách không chỉ là giấc mơ, ngoài các giải pháp tăng thu, siết chặt kỷ cương thu - chi cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Kỷ luật có nghiêm thì điều hành ngân sách mới bền vững được.