Tuy nhiên, câu chuyện sửa đổi theo hướng nào, những được, mất với đề xuất nâng trần chi phí lãi vay theo kiến nghị của một số tập đoàn, tổng công ty trong nước vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định 20 sau khi ra đời đã phát huy tác dụng rất tốt. Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính và cơ quan thuế đã giúp giảm lỗ 37.000 tỷ đồng trong năm 2017 và 40.000 tỷ đồng trong năm 2018. Số giảm lỗ kỳ này sẽ phân bổ vào lãi các kỳ sau, giúp tăng thu ngân sách.
Kết quả này đạt được là nhờ quy định áp mức khống chế chi phí lãi vay không quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế, tức 20% chi phí khấu hao (EBITDA). Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế; quy định này sẽ giúp hạn chế tình trạng chuyển giá ở các DN FDI.
Thực tế, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn lớn. Ông Phạm Thế Anh - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, DNNN cũng là nhóm DN có nhiều hoạt động liên kết nhất thông qua mô hình tập đoàn và tổng công ty. Đây chính là lý do tại sao Nghị định 20 gặp nhiều sự phản đối từ nhóm DN này.
Trong khi khu vực FDI có chi phí lãi vay quốc tế trên lãi vay trong nước bằng khoảng 1,2 lần trong giai đoạn 2013 - 2016. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của nhóm DN này là thấp nhất nhưng không quá xa hai khu vực còn lại (1,6 so với 1,8).
Điều này chứng tỏ, khu vực FDI chủ yếu có vay nợ từ thị trường quốc tế, rất có thể là từ các công ty liên kết ở nước ngoài. Trong năm 2016, chỉ có khoảng 4,9% số DN trong khu vực FDI có tỷ lệ lãi vay trên EBITDA lớn hơn 20%, và chỉ khoảng 3,4% số DN trong khu vực này có tỷ lệ lãi vay/EBITDA lớn hơn 30%.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, trong số những DN có tỷ lệ lãi vay/EBITDA lớn hơn 20% thì không phải DN nào cũng có giao dịch liên kết. Do vậy, số DN thực sự chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20 trong khu vực FDI còn thấp hơn nữa. Khối này hầu như cũng không có phản ứng gì kể từ khi Nghị định 20 có hiệu lực.
Do vậy, muốn chống được hành vi trốn thuế rất phức tạp của khu vực FDI và cả khu vực DN trong nước hiện nay, việc nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA được khấu trừ thuế từ 20% lên 30% như đòi hỏi của một số DN chưa giải quyết hết vấn đề.
Do vậy, việc thắt chặt trần lãi vay được khấu trừ thuế từ các giao dịch liên kết chính là góp phần làm giảm những lợi thế của FDI với DN trong nước, của DNNN với DN tư nhân, tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa các loại hình DN. Chuyên gia VEPR cho rằng, trong tương lai Bộ Tài chính nên có lộ trình giảm tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa, và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc khấu trừ lãi vay giữa các công ty liên kết.
Ngay bản thân với các khoản vay độc lập, tỷ lệ lãi vay được khấu trừ thuế cũng cần được khống chế ở một mức trần nào đó để đảm bảo cấu trúc tài chính lành mạnh của các DN.