Đó là thời điểm đề xuất sửa đổi chưa hẳn phù hợp, việc bổ sung các hành vi bị cấm trong sử dụng ví điện tử không hẳn là cần thiết, hạn mức giao dịch với ví điện tử bị khống chế ở mức eo hẹp.
Theo dự thảo, hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/ tháng. Đối với ví điện tử tổ chức, hạn mức theo ngày và theo tháng lần lượt là 100 triệu đồng và 500 triệu đồng. Với quy định trên, các thành viên thị trường đề nghị cân nhắc lại đồng thời nới lỏng quy định giới hạn về hạn mức thanh toán qua ví điện tử.
Thứ nhất, về giao dịch cá nhân, mức chi tiêu tiêu dùng trong mấy năm qua tăng khá nhanh, nếu trong một tháng chi tiêu 6 - 7 lần, mỗi lần 20 triệu đồng sẽ bị chặn như vậy là kìm hãm thanh toán điện tử. Thứ hai, với tổ chức DN đang có chiến lược đẩy mạnh hợp tác với các trang thương mại điện tử, công ty du lịch, công ty tài chính cho phép người dùng ví điện tử thanh toán những sản phẩm dịch vụ có giá trị lớn ở mức vài chục triệu đồng. Do đó, hạn mức như dự thảo là không phù hợp.
Cụ thể hơn, hạn mức 20 triệu đồng là đủ đối với các giao dịch mua sắm hàng ngày, nhưng lại nhỏ so với các giao dịch như mua sắm thương mại điện tử (điện thoại Iphone, máy tính, TV), du lịch (đặt chuyến đi cho cả nhà) hay thanh toán bảo hiểm nhân thọ. Đối với hạn mức DN, tùy theo ngành nghề, số tiền hạn mức cũng sẽ không đủ.
Cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh, để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử. Chưa kể, dự thảo dùng để phục vụ cho 3 - 5 năm tới trong khi vì thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây.
NHNN cho hay, căn cứ để cơ quan này đưa ra là việc quy định hạn mức giao dịch đối với ví điện tử nhằm tránh rủi ro lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, cũng như phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ. Đại diện NHNN cho biết sẽ nghiên cứu các nội dung góp ý, đặc biệt trong vấn đề hạn mức giao dịch, và khẳng định mong muốn của NHNN trong việc xây dựng chính sách để khuyến khích các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Với cơ cấu dân số trẻ, 55% số người sử dụng điện thoại smart phone, thương mại điện tử dự kiến tăng trưởng 20 - 22% trong 3 năm tới. Nhiều ý kiến cho rằng, hạn mức này nên để thị trường quyết định. Phải có cách tiếp cận mở để tạo điều kiện cho các dịch vụ giá trị gia tăng phát triển nhưng phải dung hòa giữa kiến tạo và kiểm soát, quản lý…