[Sổ tay kinh tế] Lành mạnh cán cân xuất nhập khẩu máy tính

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổng cục Thống kê, quy mô kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 4 tháng đầu năm 2019 khá lớn.

Mới qua 1/3 thời gian của năm nhưng kim ngạch đã lớn gần bằng mức cả năm 2013, cao gấp 20 lần mức cả năm 1998.
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tổng kim ngạch xuất khẩu tất cả các mặt hàng của cả nước đã đạt 12,1%, cao hơn tỷ trọng tương ứng của cùng kỳ năm trước (11,4%); vượt qua mặt hàng dệt may (12%) lên đứng thứ 2 trong các mặt hàng xuất khẩu (chỉ đứng sau mặt hàng điện thoại và linh kiện với tỷ trọng tương ứng 20,4%). So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 12,6% (tăng 1,069 tỷ USD).
Hiện mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam có mặt ở trên 50 nước và vùng lãnh thổ; 4 tháng qua đã có 14 thị trường đạt trên 100 triệu USD (Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Hà Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Mexico, Ba Lan, Đức, Singapore, Slovakia, Thái Lan); trong đó có 1 thị trường là Trung Quốc đạt tới 1,771 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, nếu những tháng còn lại kim ngạch xuất khẩu đạt được tốc độ tăng như 4 tháng qua, dự báo cả năm 2019, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có thể đạt 33,2 tỷ USD và cùng với 2 mặt hàng khác (điện thoại và linh kiện, dệt may) lập thành nhóm 3 mặt hàng vượt qua mốc 33 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, trong 4 tháng, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 20,2%, cao hơn tỷ trọng tương ứng 18,6% của cùng kỳ; lớn nhất trong các mặt hàng nhập khẩu. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 20%, (2,631 tỷ USD). Tốc độ tăng này cao gấp đôi tốc độ tăng của tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Thị trường nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chủ yếu tại 8 thị trường với mức đạt từ 100 triệu USD trở lên gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Ireland, Thái Lan, Philippines; trong đó có 3 thị trường đầu đạt trên 1 tỷ USD (chỉ 3 thị trường này đã chiếm trên 72% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước).
Nhập khẩu có quy mô lớn hơn và tốc độ tăng cao hơn của xuất khẩu nên Việt Nam ở vị thế nhập siêu lớn và tăng so với cùng kỳ năm trước (5,23 tỷ USD so với 4,67 tỷ USD). Dự báo cả năm sẽ nhập siêu cao hơn năm trước (17,8 tỷ USD so với 13 tỷ USD).
Từ nay đến cuối năm 2019, hoạt động giao thương của Việt Nam với các đối tác tiếp tục diễn ra sôi động. Vấn đề bất lợi đã xuất hiện, đó là tình trạng nhập siêu. Thực trạng đó rất cần các bộ, ngành, tìm cách khắc phục sớm và hướng tới mục tiêu bảo đảm sự lành mạnh trong cán cân xuất - nhập khẩu.