[Sổ tay kinh tế] Lấp “lỗ hổng” trên sàn chứng khoán

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều vụ việc trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã cho thấy những “lỗ hổng” trong công tác quản lý giám sát.

Giữa tháng 10/2018, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch HĐQT MTM Trần Hữu Tiệp và 14 đồng phạm trong vụ án thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... liên quan cổ phiếu MTM. Theo đó, qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, Công ty CP Mỏ và xuất khập khẩu khoáng sản miền Trung (mã MTM - sàn UPCoM) dù công ty không hoạt động kinh doanh, không có vốn nhưng các đối tượng vẫn tìm cách làm giả hồ sơ để đưa cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch UPCoM và dùng nhiều tài khoản để thao túng giá.
Vụ việc MTM chỉ là một trong rất nhiều các vụ việc vi phạm trên sàn chứng khoán. Thời gian qua, hàng loạt vi phạm về công bố thông tin, thu lợi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đã bị xử phạt. Những câu chuyện vi phạm trên thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Và phần trách nhiệm liên quan đến DN được nói nhiều đến. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác cũng có ý kiến đặt dấu hỏi ngược lại với chức năng thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý.

Nhìn lại, TTCK thời gian qua, dù hệ thống pháp luật chứng khoán không quá thiếu thốn, nhưng thực trạng tái phạm và vi phạm cho thấy, công tác giám sát còn nhiều bất cập, chế tài chưa đủ tính răn đe. Mức xử phạt vi phạm và chế tài giám sát hiện nay vẫn được xem là quá thấp và không mang lại hiệu quả thiết thực. Việc phát hiện các hiện tượng vi phạm vì thế chỉ là điều kiện cần trong đảm bảo an toàn cho thị trường. Một khi các chế tài xử lý vi phạm không hiệu quả sẽ vô hiệu hóa chức năng của hoạt động giám sát.

Ngoài ra, TTCK có mối liên thông chặt chẽ với các thị trường thuộc sự quản lý chuyên ngành của các tổ chức giám sát thuộc mạng an toàn tài chính. Sự liên thông trên kết hợp với những bất cập trong hoạt động giám sát của các tổ chức giám sát đã và đang đặt TTCK Việt Nam ở vị thế mở với rủi ro hệ thống. Để vượt qua những rào cản này, vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật và các tiêu chí giám sát thị trường cần được cơ quan quản lý thực thi trong ngắn hạn.

Nhìn về dài hạn, cần xây dựng Luật Chứng khoán với những quy định về thanh tra, giám sát chặt chẽ và nâng mức xử phạt lên cao nhất có thể. Việc thanh tra, giám sát phải phân định rõ đối tượng chịu sự giám sát và phạm vi quyền hạn của cơ quan thanh tra giám sát, cơ chế phối hợp thông tin tránh hiện tượng đùn đẩy tránh nhiệm cho nhau. Phân tích cụ thể, rõ ràng vai trò trách nhiệm của từng cơ quan giám sát chuyên ngành. Có như vậy mới hạn chế được những sai phạm trên TTCK.