[Sổ tay kinh tế] PPP, làm sao hài hòa?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều vấn đề nổi cộm trong thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thời gian qua được chỉ ra. Luật mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được kỳ vọng sẽ hạn chế các khiếm khuyết này là những nội dung được Quốc hội bàn luận sôi nổi trong tuần qua.

Trải qua khoảng 10 năm thực hiện (chủ yếu thông qua hình thức BOT và BT), đã có nhiều công trình hạ tầng ra đời, huy động được hàng trăm ngàn tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, nhưng cũng bộc lộ những bất cập, thậm chí sai phạm nghiêm trọng làm thất thoát tài sản Nhà nước, gây bức xúc xã hội… Nhà đầu tư kêu lỗ còn người dân kêu thu phí bất hợp lý…, việc triển khai các dự án theo hình thức BT, BOT gặp rất nhiều trở ngại; thậm chí có môt số dự án phải dừng. Đặc biệt, lĩnh vực này, nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà.
 Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phạm Hùng
Hiện nay do pháp luật còn chồng chéo, những vướng mắc vượt ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư và của Bộ… Do đó, việc xây dựng đạo luật riêng về PPP, trong đó có cơ chế đảm bảo quyền lợi, hạn chế thấp nhất rủi ro, luật hóa các chính sách về đầu tư BOT với điều kiện rõ ràng về chia sẻ rủi ro, tài chính… để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn là vấn đề cần làm ngay.
Thậm chí không nên bó hẹp là các dự án đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, mà nên mở rộng để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa. Chính phủ và các cơ quan Nhà nước nên ban hành danh mục, công bố các thông tin về loại hình, tiêu chí, quy mô tiêu chuẩn của các dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa và môi trường.
Hầu hết đại biểu Quốc hội tán thành, phải luật hóa một cách cụ thể, minh bạch. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, PPP phải là luật thông thoáng, đôi bên cùng có lợi. Lợi ích tối đa cho Nhà nước, nguyên tắc là phải bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước nhưng nhà đầu tư có lợi; đảm bảo công khai minh bạch để chọn nhà đầu tư tốt nhất.
Đồng thời, khi đã có dự án, cần phải có cơ chế giám sát quá trình đầu tư và vận hành dự án. Bởi đây thực chất là một dự án đầu tư công và mang lại lợi ích công cho người dân. Khi người dân trả tiền để hưởng dịch vụ đó thì người dân cũng có quyền tham gia giám sát.
Sau khi được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp lần thứ 9 (tháng 5/2020), kỳ vọng luật này sẽ thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước.