Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Siết chặt vay nợ nước ngoài

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Tài chính, về cơ cấu nợ công, dự kiến đến cuối năm 2018, nợ Chính phủ chiếm 84,8%; nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 14,2% và nợ chính quyền địa phương chiếm gần 1%.

Dù công tác quản lý, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công, nợ Chính phủ giai đoạn 2016 - 2018 đã đạt nhiều kết quả tích cực.Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về nợ vẫn ở mức cao. Cụ thể, trong số 6 chỉ tiêu cơ bản về nợ được Quốc hội phê duyệt cho giai đoạn 2016 - 2020, 5 chỉ tiêu đã được đảm bảo thực hiện. Riêng chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ở mức 36%, tăng mạnh so với năm 2016 (tăng 6,3%), vượt giới hạn cho phép (dưới 25%) chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của DN và tổ chức tín dụng trong năm 2017 tăng mạnh. Việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng là nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Trong phiên chất vấn của Quốc hội ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, nợ nước ngoài do DN tự vay, tự trả là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế, cùng với việc kiểm soát nợ công, cần giám sát chặt chẽ nợ nước ngoài do DN tự vay, tự trả để tránh các tổn hại cho quốc gia. Việc DN tự vay, tự trả nợ là cần thiết trong cơ chế thị trường, dù đó là DN Nhà nước, tuy nhiên, cũng cần giám sát các khoản vay nước ngoài của DN, của khu vực tư nhân, nhất là kiểm soát các hiệp định vay, các điều khoản về thế chấp.

Trong các giải pháp quản lý nợ công nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 - 2020, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nợ nước ngoài của DN (cả vay trung, dài hạn và ngắn hạn) theo hình thức tự vay tự trả. Giai đoạn này, Bộ Tài chính cũng đã và sẽ thực hiện đánh giá toàn diện về tình hình vay trả nợ nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả của DN và tổ chức tín dụng để chủ động giảm dư nợ vay thương mại nước ngoài của DN, tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả, nhất là các khoản vay ngắn hạn, để đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong hạn mức được duyệt.

Ngoài ra, để góp phần kiểm soát nợ quốc gia, câu chuyện xem xét khả năng tự vay, tự trả của chính quyền địa phương cũng được các chuyên gia đề cập đến. Thực tế, chỉ có gần 1/3 số tỉnh, TP có khả năng cân bằng thu - chi và tiến tới cân bằng tốt, trong khi 2/3 các địa phương không thể tự lo thu đủ cho chi. Do đó, nếu địa phương không cân đối được thu chi ngân sách thì không nên để chính quyền tự vay, tự trả tùy tiện, vì điều đó có thể sẽ dồn gánh nặng nợ lên quốc gia nói chung và Chính phủ nói riêng.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ này cho biết, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách; tăng cường quản lý cho vay lại chính quyền địa phương.