Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Tránh nhầm, sót khi xóa nợ thuế

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 5, tổng số tiền thuế nợ là hơn 84,6 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi liên quan đến của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh… chiếm đến hơn 45% tổng số nợ thuế, tương đương 38.137 tỷ đồng.

Mặc dù không thể thu hồi được khoản nợ trên, nhưng cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, tính tiền chậm nộp đối với các khoản nợ này, dẫn đến số nợ mà cơ quan thuế phải theo dõi trên sổ sách là rất lớn dù đây chỉ là nợ ảo. Việc này cũng tạo áp lực lớn về chi phí quản lý, nhân lực quản lý.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã có các quy định về việc khoanh, xóa nợ thuế. Cụ thể, dự thảo là mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của cục trưởng cục thuế và hải quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên đến dưới 15 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ với khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỷ đồng trở lên theo các quy định pháp luật. Theo các chuyên gia, việc làm này là cần thiết.

Tuy nhiên, cơ quan thuế cần nghiên cứu các tiêu chí xóa nợ phải chặt chẽ, tránh nhầm lẫn, bỏ sót. Cần cương quyết không xóa nợ cho các đối tượng cố tình vi phạm Luật DN, Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan để bảo đảm công bằng. Ngoài ra việc xóa nợ cho các trường hợp người nộp thuế gặp thiên tai, bất khả kháng và hợp tác xã khi bị phá sản; bỏ quy định xóa nợ cho người bị mất tích... cũng được cân nhắc.

Dự án luật cũng bổ sung trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý thuế. Theo đó, cơ quan Kiểm toán, Thanh tra Nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kiến nghị, kết luận do đơn vị mình ban hành.