Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Việt Nam, dù thời kỳ khủng hoảng đã tạm qua và nợ xấu đã bước đầu được xử lý nhưng “gánh nặng” của “cục máu đông” này với nền kinh tế vẫn rất lớn. Theo số liệu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), nợ xấu có xu hướng tăng kể từ năm 2007 và trở thành vấn đề nóng bỏng từ năm 2011.

Tốc độ tăng nợ xấu lên tới 51% trong giai đoạn 2008 – 2011, gấp hai lần tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trong cùng giai đoạn. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng lên mức cao nhất vào năm 2012 (17% tổng dư nợ), sau đó có xu hướng chậm lại kể từ giữa năm 2012 cho đến năm 2017. Nếu tính cả nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản Quốc gia (VAMC) đã mua mà chưa xử lý được trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ thì tỷ lệ nợ xấu thực tế là 5,8% tổng dư nợ. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn tính đến tháng 9/2017 là 566.000 tỷ đồng (chiếm 8,61%) và giảm 1,47% so với năm 2016 (600.000 tỷ đồng, chiếm 10,08%).

Một con số khác cũng cần được để ý là theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 9,5%. Mặc dù có giảm so với đầu năm 2017 (11,5%) nhưng nợ xấu vẫn cao gấp 3 lần so với “tỷ lệ dưới 3% tổng dư nợ” của nợ xấu.

Theo các chuyên gia, nợ xấu là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến an toàn của hệ thống tài chính. Nợ xấu làm tăng lãi suất cho vay, làm giảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Nợ xấu cao, song xử lý “cục máu đông” này không hề đơn giản. Hiện, quy mô và tính chất các khoản nợ xấu ngày càng gia tăng và các khoản nợ không chỉ ở trong nước mà mang màu sắc quốc tế. Ngoài ra, khung pháp lý chưa hoàn thiện, tâm lý e ngại của chủ nợ khi thực hiện bán nợ, việc định giá nợ còn chưa có cơ sở… cũng là những rào cản khiến việc xử lý nợ xấu khó khăn hơn.

Để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải phát triển thị trường mua bán nợ. Và để thực hiện mục tiêu này, cần hình thành sàn giao dịch mua bán nợ; đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ; đồng thời, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ; phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và tổ chức định giá độc lập đối với các khoản nợ, qua đó giúp cho bên mua và bán xác định được giá trị của khoản nợ, từ đó xem xét, quyết định việc mua bán. Ngoài ra, một vấn đề được nhấn mạnh là phát triển hoạt động mua bán, xử lý nợ phải gắn với tái cơ cấu DN, giúp các DN ổn định sản xuất, đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó cần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống tòa án, giúp xử lý nhanh các khoản nợ xấu.