Trước đó, kết quả rà soát vi phạm của UBND xã Thanh Xuân, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn cho thấy, có 3 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81, và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đại diện lãnh đạo UBND xã Thanh Xuân đã ban hành 3 quyết định cưỡng chế.
Trong ngày 29/5, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn, phối hợp với UBND xã Thanh Xuân và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức ra quân xử lý các công trình có vi phạm.
Cụ thể, trường hợp ông Đỗ Ngọc Phụng bị phá dỡ 8 công trình với tổng diện tích 593,5m2; trường hợp ông Hà Văn Khoản bị xử lý công trình với tổng diện tích 218,25m2; và trường hợp ông Đặng Quang Vinh (đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Vinh Minh Quân) bị buộc phá dỡ 2 công trình với tổng diện tích 210,48m2. Như vậy, tổng diện tích 3 công trình được xác định có vi phạm bị cưỡng chế là 1.022,23m2.
Trường hợp vi phạm của ông Đỗ Ngọc Phụng được xác định là do tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hai trường hợp còn lại bị xử lý vì sử dụng đất không đúng mục đích. Các hộ phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 8 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời, phải chịu toàn bộ chi phí thực hiện cưỡng chế công trình có vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân Chu Văn Phương cho biết, ngay khi các vi phạm mới manh nha, địa phương đã phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn rà soát, tiến hành lập hồ sơ để có kế hoạch xử lý.
Sau khi ban hành quyết định xử lý hành chính, các cơ quan chức năng địa phương đã cho 3 hộ có công trình vi phạm thời gian tự khắc phục. Tuy nhiên, các hộ đã không tự giác tháo dỡ. Chính vì vậy, lực lượng chức năng địa phương buộc phải tổ chức cưỡng chế. Cũng theo ông Phương, thời gian tổ chức cưỡng chế dự kiến là 30 ngày. Toàn bộ chi phí của việc cưỡng chế sẽ do các hộ có công trình vi phạm chi trả.