Thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 7/3/2019 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở mầm non, tiểu học, THCS công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội năm 2019, UBND huyện Sóc Sơn đã có thông báo đến 256 giáo viên tiểu học và THCS trên địa bàn.
Dù vậy, nhiều giáo viên này bày tỏ sự hoang mang, lo lắng cho rằng, thế hệ giáo viên được đào tạo từ năm 1990 trở về trước, ở bậc phổ thông chỉ được học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp, trong khi quá trình thi tuyển lại sử dụng tiếng Anh. Điều này có thể tạo nên sự cạnh tranh không công bằng đối với các thế hệ giáo viên. Nhiều ý kiến bày tỏ tâm tư, việc không ưu tiên đối với giáo viên có thâm niên cũng gây thiệt thòi cho người công tác lâu năm, có thành tích.
Theo quy định, những giáo viên tiểu học, THCS lần này thi không trúng tuyển sẽ bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy vào tháng 5/2020. Bởi theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cùng với quy định tinh giản biên chế, sẽ không còn lao động hợp đồng.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, địa phương đã tổ chức đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên. Tuy nhiên, việc giải quyết không thuộc thẩm quyền của huyện.
“Huyện đã có văn bản gửi Sở Nội vụ, đề nghị xét tuyển đặc biệt đối với 256 giáo viên cấp tiểu học và THCS thuộc diện phải thi tuyển viên chức đợt tới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi…” – ông Mạnh cho biết.
Liên quan tới ý kiến của một số giáo viên phản ánh việc hàng chục năm công tác nhưng không được thi viên chức, ông Mạnh cho rằng, đó là thông tin chưa chính xác. “Đúng là có một số môn nhiều năm qua, địa phương không tổ chức thi, đơn cử như môn Ngữ văn. Nhưng việc không tổ chức thi là do rà soát, đánh giá nhu cầu không thiếu nên không tổ chức thi tuyển. Còn bất cứ giáo viên hợp đồng nào có đủ điều kiện đều có thể tham gia thi tuyển viên chức...” – ông Mạnh khẳng định.