Sóc Sơn rốt ráo xử lý xe quá tải

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình trạng xe quá tải đi trên đê diễn biến khá phức tạp tại địa bàn các xã ven sông thuộc huyện Sóc Sơn. Lực lượng chức năng đã vào cuộc, tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm này vẫn chưa dứt điểm và đạt hiệu quả mong đợi.

Xe chở vật liệu xây dựng quá tải chạy thường xuyên trên đê thuộc huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn
Còn tình trạng buông lỏng quản lý
Trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 3 tuyến đê kết hợp giao thông là hữu Công, hữu Cầu và tả Cà Lồ với tổng chiều dài khoảng 33km. Theo phản ánh của nhiều người dân sống ven đê, tình trạng xe quá tải chạy trên đê thời gian qua diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là vào ban đêm. Tình trạng trên gây không ít lo ngại cho việc đi lại an toàn của người dân. Không chỉ vậy, xe quá tải trọng còn khiến hạ tầng đê điều bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng đến khả năng phòng chống lũ của các tuyến đê…
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện có 9 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động không phép thuộc địa bàn 6 xã ven sông. Từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện đã xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, bến thủy nội địa với tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng, tịch thu 1 thuyền và 2 đầu máy nổ khai thác cát trái phép.
Trước tình trạng xe quá tải trọng đi trên đê, từ đầu năm 2019 đến nay, các lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn đã tổ chức kiểm tra, xử lý 35 lượt xe ô tô vi phạm tải trọng, phạt tiền trên 318 triệu đồng thu nộp Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, phối hợp với Đội CSGT số 15 (Phòng PC 08, Công an TP Hà Nội) xử phạt 12 trường hợp xe quá tải, với tổng số tiền 42 triệu đồng.
Dù vậy, tình trạng xe quá tải đi trên đê vẫn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó trưởng Công an huyện Sóc Sơn là bởi huyện có địa bàn rộng, trong khi lực lượng công an địa phương mỏng. Trang thiết bị còn thiếu; cân trọng tải chỉ sử dụng được tối đa 40 tấn, vì vậy các loại phương tiện lớn không thể tiến hành cân lưu động. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết thêm, các phương tiện hiện thường lén lút hoạt động trên đường liên xã, liên thôn, nhất là vào ban đêm. Đặc biệt là còn tình trạng buông lỏng quản lý, cũng như xử lý thiếu quyết liệt của chính quyền cấp xã đối với các vi phạm xe quá tải đi trên đê.
Đồng bộ các giải pháp
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh, để ngăn chặn tình trạng xe quá tải, địa phương đã bước đầu triển khai đưa lực lượng công an chính quy về 9 xã có đê để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Dù vậy đến nay, huyện mới chỉ thực hiện được ở xã Kim Lũ. Bên cạnh tiếp tục chỉ đạo chính quyền các xã vào cuộc, quyết liệt xử lý, ngăn chặn vi phạm xe quá tải trọng đi trên đường đê, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội khảo sát thiết kế để khống chế cứng đối với các phương tiện quá tải, không cho đi vào các tuyến đê. Xây dựng và mở rộng các tuyến đường ven chân đê nhằm phục vụ mục tiêu dân sinh, giống như cách làm tại một số tuyến đê kiểu mẫu thuộc huyện Đan Phượng.
Liên quan tới giải pháp kiểm soát tình trạng xe quá tải, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 7 Nguyễn Văn Bảo cũng kiến nghị Sở NN&PTNT Hà Nội xem xét, cắm bổ sung 10 biển báo hạn chế tải trọng xe cơ giới tại 10 vị trí. Cụ thể, 3 vị trí trên đê hữu Cầu và 7 vị trí trên đê tả Cà Lồ. Đây sẽ là cơ sở thuận lợi để các lực lượng chức năng xử lý tình trạng xe quá tải đi trên đê.
Ở chiều ngược lại, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Nguyễn Xuân Hải cho rằng, thực tế, tình trạng xe quá tải có liên quan mật thiết với hoạt động của các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông. Chính vì vậy, không chỉ huyện Sóc Sơn, các địa phương có đê cần kiên quyết giải tỏa bến bãi tập kết ven sông. Đây sẽ là giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn triệt những hệ lụy từ tình trạng xe quá tải đi trên đê.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần