Sóc Trăng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 27/4, tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban ngành của Trung ương, đại biểu các tỉnh thành cùng hàng ngàn người dân đã đến dự. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét tổng thể hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) . Ảnh: Tuấn Quang-SGGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét tổng thể hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) . Ảnh: Tuấn Quang-SGGP

Năm 1992, tỉnh Sóc Trăng (và Cần Thơ) được chia tách từ tỉnh Hậu Giang. Lúc đó, Sóc Trăng được xem là “vùng trũng” bởi có quá nhiều khó khăn về mọi mặt. Thế nhưng, bằng nội lực của mình và sự đầu tư của Nhà nước, 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã không ngừng nỗ lực vươn lên, tập trung khai thác các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, khẳng định được vị thế của mình.

Sau 30 năm tái lập, tỉnh Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 1 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện. Có 4 đơn vị hành chính được thành lập mới là: Cù Lao Dung, Ngã Năm, Châu Thành và Trần Đề. Toàn tỉnh hiện có 109 xã, phường, thị trấn, tăng 15 đơn vị so với năm 1992. Dân số tỉnh Sóc Trăng năm 2021 là 1.206.819 người.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng.

Tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông với cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 68,30%, công nghiệp, xây dựng chiếm 9,68%, dịch vụ chiếm 22,02% và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp… trở thành tỉnh cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển. Kinh tế tiếp tục duy trì ổn định, quy mô kinh tế được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Cánh đồng điện gió Sóc Trăng (Ảnh: Internet).
Cánh đồng điện gió Sóc Trăng (Ảnh: Internet).

Năm 2021, quy mô kinh tế của tỉnh (GRDP - tính theo giá hiện hành) đạt 57.120 tỷ đồng, tăng 38 lần so với năm 1992; đứng hàng thứ 11 về quy mô kinh tế trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và chiếm tỷ trọng 0,68% so với cả nước; Tốc độ tăng bình quân giai đoạn1993 - 2021 là 10,18%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.031 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phù hợp yêu cầu CNH, HĐH đất nước: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 44,78% (vùng ĐBSCL là 30,86%, cả nước là 12,36%), giảm 23,52%; công nghiệp, xây dựng chiếm 15,11% (vùng ĐBSCL là 26,39%, cả nước là 37,86%), tăng 5,43%; dịch vụ chiếm 40,11% (vùng ĐBSCL là 37,23%, cả nước là 49,78%), tăng 18,09%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 là 18.952 tỷ đồng, tăng 160,75 lần so với năm 1992, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1993 - 2021 là 19,14%.

Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá hiện hành) năm 2021 đạt 30.854 tỷ đồng, tăng 20,40 lần so với năm 1992. Sản lượng lúa hàng năm của tỉnh đạt trên 2 triệu tấn, tăng 2,4 lần so năm 1992. Đặc biệt, tỉnh đã chuyển dần sản xuất lúa theo hướng đặc sản, chất lượng cao mang lại giá trị thu nhập cao cho người sản xuất; từ diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao năm 2000 chỉ có 5.000 ha (chiếm 1,35% diện tích) đến nay, tỉnh tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (đặc biệt nhóm giống lúa ST), diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao các loại đạt 253.700 ha (chiếm hơn 78,79% diện tích, tăng 50,7 lần so với năm 2000).

Diện tích nuôi thủy sản năm 2021 là 76.765 ha, tăng 3,88 lần so với năm 1992, tốc độ tăng bình quân hàng năm 1993 - 2021 là 4,78%; trong 76.765 ha diện tích nuôi thủy sản, diện tích nuôi tôm là 52.500 ha, tăng 3,13 lần so với năm 1992, tốc độ tăng bình quân hàng năm 1993 - 2021 là 4,01%.Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2021 là 350.642 tấn, tăng 12,87 lần so với năm 1992, tốc độ tăng bình quân hàng năm 1993 - 2021 là 9,21%; trong đó, sản lượng nuôi tôm đạt 193.197 tấn, tăng 138,49 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,53%/năm.

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 72,5%), thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Vĩnh Châu đã trình hồ sơ đề nghị Trung ương xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Dự kiến đến cuối năm 2022, có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh là 63 xã (chiếm 78,75%), các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Có thêm 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh là 14 xã.

Trị giá xuất khẩu hàng hóa năm 2021 là 1.289 triệu USD, tăng 51,56 lần so với năm 1992; tốc độ tăng bình quân hàng năm 1993 - 2021 là 14,56%. Mặt hàng xuất khẩu năm 1992 chủ yếu là tôm đông,gạo, đến nay đã có thêm mực đông, chả cá, nấm rơm, hành tím và hàng may mặc; trong đó, mặt hàng tôm đông chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (từ 75% trở lên), với lượng xuất khẩu tôm tăng bình quân 19%/năm trong giai đoạn 1992 – 2021, các loại thủy sản khác tăng 20%/năm và gạo tăng 5%/năm.Tính đến năm 2021, sản phẩm của Sóc Trăng đã xuất khẩu đến khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với cơ cấu thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ (chiếm tỷ trọng 42%), Philippin (21%), EU (12%), Nhật Bản (10%), Canada (5%), Trung Quốc bao gồm HongKong (2,5%) và Úc (2%)…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần