Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóc Trăng: năng suất lúa giảm sâu do ảnh hưởng bởi hạn mặn

Xuân Lương - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông dân hai huyện Trần Đề và Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đang thu hoạch lúa vụ 3 ( vụ Đông Xuân muộn), nhưng năng suất lúa giảm một nửa do hạn mặn.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn mùa khô tại Sóc Trăng năm 2023-2024 sớm và ở mức cao hơn so với cùng kỳ mùa khô năm 2022-2023.

Do giá lúa tăng cao trong thời gian qua, mặc dù ngành chuyên môn đã có khuyến cáo nhưng một số nông dân vẫn xuống giống lúa vụ 3 vào thời gian cao điểm diễn ra xâm nhập mặn nên nguy cơ rủi ro cao.  Theo ước tính, Sóc Trăng có khoảng 1.400 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn. 

Nông dân Sóc Trăng thất thần trước đồng lúa bị giảm năng suất do ảnh hưởng bởi hạn mặn.
Nông dân Sóc Trăng thất thần trước đồng lúa bị giảm năng suất do ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Sau 3 tháng “đánh cược” với thời tiết để xuống giống lúa vụ 3, những ngày này, nhiều nông dân ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bước vào vụ thu hoạch trong trạng thái lo rầu.

Ông Lý Vuông, nông dân ở ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) ra ruộng thăm lúa trong tâm trạng ngổn ngang, chia sẻ: Trước Tết Nguyên đán 2024 khoảng 20 ngày, tôi xuống giống gần 80 công (gần 80.000m2) lúa OM5451. Thời gian đầu lúa rất đẹp vì còn nước ngọt, nhưng qua Tết ít bữa là nước bị nhiễm mặn nên lúa bị ảnh hưởng rất nhiều.

"Nếu vụ chính, mỗi công thu hoạch được khoảng 1 tấn thì vụ này may lắm thì được 300kg/công thôi nhưng hạt gạo không no tròn, không đẹp như vụ chính. Năng suất giảm sâu, chất lượng gạo không cao nên bán chắc cũng không được giá. Tính ra, mỗi công đầu tư cả triệu đồng, vụ này chắc chắn lỗ nặng” -ông Vuông lo lắng chia sẻ về vụ lúa này.

Cùng nỗi lo, ông Lý Hoành Thi cho biết: Vụ này, gia đình ông Thi xuống giống trên 70.000m2. Khi lúa chưa trổ bông thì nước bị nhiễm mặn nên nhiều diện tích lúa của ông bị đổ ngã, lép hạt.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, địa phương có diện tích vụ Đông Xuân muộn ngoài kế hoạch khoảng 6.000 ha, trong đó ghi nhận có hơn 1.400 ha lúa bị ảnh hưởng hạn mặn (trong đó thiệt hại 43 ha).
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, địa phương có diện tích vụ Đông Xuân muộn ngoài kế hoạch khoảng 6.000 ha, trong đó ghi nhận có hơn 1.400 ha lúa bị ảnh hưởng hạn mặn (trong đó thiệt hại 43 ha).

Theo ông Thi, vụ chính năng suất lúa đạt từ 900kg-1.000kg/công nhưng vụ 3 này năng suất giảm hơn một nửa trong khi chi phí cho vụ 3 nặng hơn vụ chính. Hôm nay tôi kêu máy gặt, giá gặt vụ này cũng như vụ trước là 300.000 đồng/công. Nhưng hiện tại chưa chốt giá vì năng suất lúa thấp hơn so với vụ trước. Sau khi cắt xong, lúa thất mùa thì chủ máy sẽ giảm cho chúng tôi. Khi máy cắt lúa đi qua, nhìn bụi bay mù là biết lúa thất rồi”.

Ông Thi cho biết thêm, vụ 3 năm ngoái ông không xuống giống một phần để cho đất nghỉ, một phần sợ bị mất mùa nhưng vụ 3 năm nay, ông đánh liều xuống giống với tinh thần “năm ăn năm thua” và thua nhiều hơn là ăn.

Trong khi những người xuống giống sớm đang rầu rĩ khi năng suất giảm, chất lượng lúa không cao, vẫn có một số nông dân xuống giống muộn hơn và cũng đang lo lắng khi lúa chưa trổ bông nhưng không còn nước ngọt và đang bị nước mặn đe doạ, nhiều thửa ruộng lúa chết thấy rõ rệt.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, địa phương có diện tích vụ Đông Xuân muộn ngoài kế hoạch khoảng 6.000 ha, trong đó ghi nhận có hơn 1.400 ha lúa bị ảnh hưởng hạn mặn (trong đó thiệt hại 43 ha).

Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tiếp tục phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh triển khai công tác quan trắc mặn và thông tin đến các địa phương trong thời gian hạn mặn. Đơn vị quản lý khai thác bố trí lực lượng trực tiếp tục trực 24/24 tại các cống xung yếu để tiến hành quan trắc độ mặn, vận hành hệ thống kịp thời trong thời gian diễn ra hạn mặn.

Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ nguồn nước trên các sông, kênh rạch, điều tiết hợp lý các hệ thống công trình để cung cấp nước cho người dân sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt.