Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tỉnh đã thông qua đề án phát triển nuôi tôm nước lợ giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án này được triển khai tại năm huyện, thị xã gồm: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Kinh phí thực hiện 29,4 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước trên 17,5 tỉ đồng, phần còn lại huy động vốn xã hội hóa. Mục đích của đề án nhằm đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị, bền vững, tập trung, sản xuất sạch, ứng dụng cao nghệ cao, công nghệ số mang tính đột phá, thân thiện với môi trường, tăng thu nhập cho người dân.
Cũng theo ông Nhã, mục tiêu của Sóc Trăng là đến năm 2030, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh duy trì 57.000ha, trong đó có 3.000ha tôm siêu thâm canh; 44.000ha tôm thâm canh, bán thâm canh và 10.000ha tôm lúa, tôm quảng canh. Phấn đấu sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt trên 311.000 tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt tối thiểu 1 tỉ USD. Ngoài ra, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 xây dựng được 45 mô hình điểm, chủ đạo phù hợp với từng tiểu vùng sản xuất, được kiểm soát chặt chẽ về môi trường và dịch bệnh.
Sóc Trăng có tiềm năng và điều kiện tự nhiên thuận lợi để nuôi trồng và chế biến xuất khẩu đối với tôm nước lợ. Trong những năm qua, tỉnh luôn duy trì diện tích thả nuôi tôm nước lợ khoảng 51.000 ha, riêng năm vừa qua, diện tích thả nuôi tôm của tỉnh tăng lên hơn 54.000 ha, đạt sản lượng gần 228.000 tấn. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng, chủ yếu là tôm nước lợ đạt hơn 1 tỷ USD. Sóc Trăng đặt mục tiêu có 100% cơ sở nuôi, hộ nuôi tôm đảm bảo điều kiện về nuôi trồng thủy sản và được cấp mã số ao đối tượng nuôi chủ lực đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.
Với Đề án đề án phát triển nuôi tôm nước lợ, tỉnh sẽ hướng đến tiếp tục giữ vững ổn định sản xuất tôm nước lợ, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm theo hướng tăng năng suất và chất lượng, hướng tới các lợi ích bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sự bền vững cho nghề nuôi thủy sản, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người nuôi, từng bước đưa Sóc Trăng trở thành trung tâm nuôi trồng của vùng ĐBSCL.