Văn hóa gắn với kinh tế, thúc đẩy kinh tế
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa với sự phát triển của đất nước. Nhiều nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra, dù không có tác phẩm riêng bàn về văn hóa nhưng qua những bài phát biểu, nói chuyện tại các hội nghị; qua thư từ, ghi chép cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24/11/1946), Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước đón đầu của văn hóa - ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến những thắng lợi: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm diễn viên Đoàn Văn công Nhân dân T.Ư sau buổi biểu diễn tại Phủ Chủ tịch, ngày 31/12/1956. ảnh tư liệu |
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23/11/1945, Người đã ký kết sắc lệnh 65 về bảo tồn tất cả các di sản văn hóa như đình chùa, đền miếu, cung điện, thành quách, bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở, kể cả những cái có tính tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử. Năm 1951, trong lúc đang kháng chiến chống Pháp, Người cũng đã ra chỉ thị phục hồi vốn cổ dân tộc. Nhờ vậy mà một số loại hình nghệ thuật truyền thống ở các địa phương trong nước được phục hồi để phục vụ nhu cầu tinh thần của Nhân dân, động viên toàn dân, toàn quân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.
Trong Di chúc, Bác vẫn đau đáu căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Theo GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), có thể thấy, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lĩnh vực văn hóa và phát triển văn hóa luôn có tầm quan trọng ngang với kinh tế và phát triển kinh tế.
Kinh tế có tác dụng nâng cao đời sống vật chất, còn văn hóa nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Đây là hai lĩnh vực liên kết biện chứng, gắn bó mật thiết trong đời sống xã hội. “Đây là trách nhiệm rất lớn của Đảng cầm quyền, để thể hiện sự ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho mọi người được ấm no, tự do, hạnh phúc” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Theo các tư liệu về Bác, quan điểm văn hóa gắn với kinh tế, thúc đẩy kinh tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ hơn trong thư gửi các họa sĩ, nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra luận điểm nổi tiếng "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy", đã thể hiện một cách khái quát nhất các quan điểm của Người về công cuộc xây dựng nền văn hóa mới trong đó có vai trò của người trí thức.
Sức mạnh nội sinh, động lực phát triển
Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra vai trò đặc biệt của văn hóa trong đời sống tinh thần của xã hội, văn hóa có vai trò định hướng tư tưởng, văn hóa gắn liền với xây dựng con người mới và là động lực phát triển của xã hội. Bên cạnh những chủ trương, chính sách, Bác cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, đó là những tác phẩm văn học, nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật truyền thống.
Bác xem các loại hình văn học dân gian như tục ngữ, vè, ca dao… là những viên ngọc quý của dân tộc. Người thường hay dẫn Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, những câu hò, lời ca, điệu ví quen thuộc, vốn rất đặc trưng tiêu biểu cho văn nghệ dân tộc để nhắc nhở những người làm công tác văn hóa về thái độ trân trọng vốn di sản văn hóa dân tộc.
Một tiết mục tại chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng - Tỏa sáng”, chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng |
Như tư liệu lịch sử đã ghi lại, Người thường nhắc nhở mọi người, đặc biệt là những người làm nghệ thuật phải luôn biết trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản dân tộc. Người căn dặn văn nghệ sĩ phải tôn trọng, giữ gìn và phải phát triển cho hết cái hay, cái đẹp của di sản văn hóa dân tộc.
Bác cũng nhấn mạnh đến yếu tố kế thừa, chọn lọc và phát triển để giữ gìn vốn văn hóa quý báu của dân tộc, khôi phục những yếu tố tích cực trong kho tàng văn hóa dân tộc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, những cái cũ phiền phức, phát triển những cái cũ mà tốt, phải triệt để làm những cái mới và hay, phải tẩy sạch những gì mà giáo dục thực dân để lại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã và đang là định hướng lớn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta. Những tư tưởng, quan điểm của Bác dù trực tiếp hay gián tiếp bàn về văn hóa đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành “kim chỉ nam” trong việc hoạch định kế hoạch phát triển văn hóa.
Trong những năm qua, vị trí, vai trò của văn hóa đã được nhắc đi nhắc lại trong chiến lược của Đảng qua các thời kỳ. Nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề này đã được ban hành đi vào cuộc sống, tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xã hội như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI… Đây chính là sự cụ thể hóa và nhấn mạnh hơn nữa vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”; và một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.