Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sôi nổi các hoạt động Tết Trung thu cho thiếu nhi

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp Tết Trung thu năm 2023, Hà Nội và các địa phương trên cả nước tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Trong đó, nhiều chương trình được tổ chức với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Tết Trung thu truyền thống.

Xu hướng trở về Trung thu truyền thống

Thời điểm này, không khí vui đón Trung thu đã rộn ràng trên nhiều con phố, trung tâm văn hoá, các điểm vui chơi của Hà Nội. Khác những năm trước, công tác chuẩn bị tổ chức các sự kiện, không gian văn hoá đang xu hướng tìm về với những giá trị truyền thống.

Không khí Trung thu tràn ngập phố phường. Ảnh: Duy Khánh.
Không khí Trung thu tràn ngập phố phường. Ảnh: Duy Khánh.

Nắm bắt được xu hướng này, ngay trước dịp tết Trung thu, tại những điểm đến như phố bích họa Phùng Hưng, khu phố cổ Hà Nội (ngôi nhà 87 Mã Mây, Trung tâm Giao lưu văn hóa 50 Đào Duy Từ, đình Kim Ngân), Hoàng Thành Thăng Long… đang tích cực chuẩn bị các hoạt động, không gian vui đón Trung thu hướng về giá trị văn hoá truyền thống.

Ngay từ đầu tháng 9, BQL Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp CLB Đình làng Việt và Dự án "Trường làng trong phố" đã tổ chức sự kiện “Ghép đèn sáng sao”  tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm).

"Ghép đèn sáng sao" là sự kiện thứ ba, trước đó hai buổi trải nghiệm đã được tổ chức là “Hoa cài tre đan” và “Nghiêng vành nón Chuông” cũng bước đầu thu hút sự quan tâm và những phản hồi tích cực. NNƯT Nguyễn Văn Quyền cũng chia sẻ: “Tôi thấy rất vui bởi nhóm các bạn trẻ quan tâm, lan tỏa niềm đam mê những đồ chơi dân gian. Hi vọng rằng thông qua hoạt động này, những đồ chơi dân gian sẽ được bảo tồn và không bị mai một”.

Tại Phố cổ Hà Nội,  Tết Trung thu sẽ có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn giúp người dân, du khách và đặc biệt là các em thiếu nhi.
Tại Phố cổ Hà Nội,  Tết Trung thu sẽ có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn giúp người dân, du khách và đặc biệt là các em thiếu nhi.

Tại các quận, huyện, thị xã cũng diễn ra nhiều chương trình. Đơn cử, UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tổ chức Chương trình “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài” năm 2023 từ ngày 23 đến 30/9. Trong đó, điểm nhấn là chương trình đêm hội trăng rằm với chủ đề “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài” sẽ diễn ra ngày 29/9 tại sân khấu chính không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Trong khuôn khổ chương trình sẽ có nhiều hoạt động như: Diễu hành các mô hình đèn trung thu; biểu diễn múa lân, rồng; tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ, các hoạt động được tổ chức sinh động, hấp dẫn nhằm tạo không khí vui tươi, an toàn cho trẻ em trên địa bàn thị xã, mang đến những trải nghiệm Tết Trung thu ý nghĩa, hạnh phúc, động viên tinh thần học tập, rèn luyện của các em thiếu nhi. Đồng thời, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa di sản xứ Đoài.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND về tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn TP năm 2023. Theo đó, UBND TP dự kiến tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em cấp TP vào 20 giờ ngày 29/9 tại huyện Ba Vì với chủ đề “Đêm hội Trăng rằm 2023”.

Ngoài việc tổ chức “Đêm hội Trăng rằm”, trên địa bàn TP còn diễn ra nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em và các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; Các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, cam kết trách nhiệm và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

Trải nghiệm không gian lễ hội

Ngoài phá cỗ, trông trăng, Tết Trung thu 2023, nhiều địa phương còn tổ chức các lễ hội hấp dẫn. Tại Tuyên Quang, Trung thu được nhiều người biết đến thông qua chương trình Lễ hội Thành Tuyên. Điểm nhấn của ngày hội này chính là màn rước mô hình đèn trung thu khổng lồ.

Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra từ 20 – 27/9 tại TP Tuyên Quang cùng với Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV. Điểm nhấn của Lễ hội là chương trình “Đêm hội Thành Tuyên” được tổ chức quy mô cấp quốc gia với sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc, ngoài ra có thêm tỉnh Bình Thuận và hai địa phương của hai nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc). Lễ hội Thành Tuyên từng được Guiness Việt Nam xác lập kỷ lục “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam” và "Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam".

Tại tỉnh Quảng Nam, TP Hội An đang chuẩn bị đón một mùa Tết Trung thu  đặc biệt khi đón nhận niềm vui Lễ hội Trung thu ở Hội An vừa được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, TP Hội An đã xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động vui Tết Trung thu năm nay cùng với lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, qua đó tôn vinh giá trị nổi bật của di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Tết Trung thu ở Hội An, ghi nhận sự nỗ lực của các bên trong việc bảo tồn di sản thời gian qua. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An.

Lễ hội Tết Trung thu cũng như các giá trị nổi bật của lễ hội được hình thành trên cơ sở truyền thống bản địa, giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Hoa và luôn được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ, tổ chức hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống hấp dẫn, sôi động bởi giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng, gắn với loại hình diễn xướng dân gian độc đáo múa Thiên cẩu chỉ có tại Hội An.