70 năm giải phóng Thủ đô

Sớm ban hành chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/3, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức tọa đàm xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Thiếu nguồn kinh phí

Theo Sở VH&TT Hà Nội, số lượng di sản văn hoá phi vật thể đứng đầu cả nước (1.743 di sản) và đẩy đủ các loại hình, số lượng nghệ nhân nhiều, có bề dày thực hành lâu năm. Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, hiện đại đại hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh các tác động tích cực cũng đặt ra những khó khăn, thách thức trong việc định hướng giá trị, thói quan và phong tục, tập quán của một xã hội đang trên đà chuyển đổi.

Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Lại Tấn.
Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Lại Tấn.

Tại buổi tọa đàm, một trong những trăn trở được nhiều nhà quản lý văn hoá, nghệ nhân bày tỏ là việc nguồn kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa nhiều, chưa huy động được nguồn lực từ công tác xã hội hóa. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động tôn vinh, khen thưởng cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế, mức khen thưởng thấp.

Theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH&TT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh: “Các câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tuy có sự hỗ trợ một phần của địa phương, song chủ yếu vẫn do các thành viên tự đóng góp dẫn đến thiếu kinh phí để mua sắm trang phục, đạo cụ luyện tập; thiếu kinh phí để truyền dạy, giao lưu, tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ cộng đồng”.

Phát biểu ý kiến tại buổi toạ đàm, nghệ nhân Nguyễn Thị Lan – CLB Hát Dô (Quốc Oai), nghệ nhân Đông Sinh Nhật – CLB Chèo tàu (Đan Phượng), nghệ nhân Phan Thị Kim Dung – CLB Dân ca Làng Mọc (Thanh Xuân) đều chia sẻ sự tâm huyết với việc trao truyền di sản văn hoá phi vật thể. Mặt khác, các nghệ nhân cũng cho biết, họ hầu hết chưa nhận được sự đãi ngộ thường xuyên. Trong khi đó, phần lớn nghệ nhân đều cao tuổi, không có lương hưu, gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Nhiều nghệ nhân đã qua đời mà chưa được hưởng chế độ đãi ngộ. Điều này ảnh hưởng đến tâm huyết bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy các giá trị di sản.

Tại tọa đàm, các chuyên gia hàng đầu về bảo tồn di sản như: Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội ông Lưu Minh Trị; PGS TS Đặng Văn Bài  cùng các nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đều nhất trí rằng, việc sớm xây dựng, ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân là hết sức cần thiết.

“Tiếp sức” nghệ nhân

Trong những năm qua, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của T.Ư, các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của TP luôn được Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội chú trọng.

Nhiều hoạt động hỗ trợ nghệ nhân góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể đã được triển khai thực hiện như: Hoạt động truyền dạy, tư liệu hóa, trình diễn, giao lưu được triển khai thực hiệu quả, góp phần từng bước khôi phục, bảo tồn nghệ thuật.

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội giao Sở VH&TT Hà Nội xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, từ đó đề xuất HĐND TP xem xét, ban hành Nghị quyết trong năm 2022.

Cụ thể, ngoài mức trợ cấp theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ dành cho NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, Sở VH&TT Hà Nội dự kiến đề nghị TP có mức hỗ trợ riêng của Hà Nội để kịp thời động viên, khích lệ nghệ nhân, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo đó, Sở VH&TT đề xuất 4 mục hỗ trợ, đãi ngộ, gồm: Chế độ hỗ trợ, đãi ngộ dành cho nhóm đối tượng NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ tập luyện, biểu diễn, tham gia hoạt động của các nghệ nhân, câu lạc bộ; mức giải thưởng khi tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan.

Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý văn hoá, đại biểu tham dự đều nhất trí với những đề xuất này và bày tỏ mong muốn các chế độ này sớm được thông qua và triển khai trên thực tế, qua đó, góp phần thiết thực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô. Việc cho ra đời chính sách hỗ trợ nghệ nhân sẽ tiếp sức rất lớn cho đội ngũ nghệ nhân trên hành trình lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của Thăng Long - Hà Nội, sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới trên nền tảng văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.