Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm cải tạo, tu bổ cụm ba chùa ở hồ Thiền Quang

Thành Luân - Thanh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dự án tu bổ, tôn tạo và phát triển cụm ba chùa nằm tại hồ Thiền Quang được các tăng ni, phật tử hoàn toàn ủng hộ vì cơ sở vật chất hiện nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Độc đáo 3 chùa nằm sát nhau

Tại khu vực hồ Thiền Quang hiện nay có ba ngôi chùa Thiền Quang, Quang Hoa Pháp Hoa nằm sát cạnh nhau, thuộc số nhà 31 - 33 phố Trần Bình Trọng (quận Hai Bà Trưng), từ trung tâm Thủ đô, đi xuôi về phía Nam theo phố Bà Triệu.

3 ngôi chùa Thiền Quang, Quang Hoa Pháp Hoa nằm sát cạnh nhau
3 ngôi chùa Thiền Quang, Quang Hoa Pháp Hoa nằm sát cạnh nhau

Theo phật tử Diệu Tâm - đại diện chùa Pháp hoa, sở dĩ có ba ngôi chùa nằm sát cạnh nhau là do xưa kia đều thuộc làng Thiền Quang, sau đó thực dân Pháp di dời dân của 3 làng Quang Hoa - Pháp Hoa - Thiền Quang sang nơi khác.

Điều kiện sau đó chỉ đủ khả năng xây được 2 ngôi chùa là chùa Thiền Quang và chùa Quang Hoa, nhưng do mâu thuẫn giữa 2 làng Quang Hoa và Pháp Hoa nên người dân làng Pháp Hoa xin chính quyền cho xây dựng chùa riêng.

Nổi bật trong cụm di tích là chùa Quang Hoa. theo tấm bia “Quang Hoa thiền tự sự tích bi ký”, niên đại Tự Đức (1866), chùa Quang Hoa khởi đầu chỉ là một ngôi am nhỏ bằng tranh. Qua nhiều lần tu bổ, xây dựng ngày càng có quy mô lớn và khang trang.

Chùa chính quay hướng Nam, quy mô của chùa có 7 gian tiền đường và 5 gian thượng điện, phía sau là 10 gian nhà Tổ và nhà Mẫu, hai bên là hai dãy nhà khách.

Pháp Hoa là một ngôi chùa nhỏ quay ra mặt hồ Thiền Quang nhìn về phía Đông, theo tấm bia hiện còn lại, chùa Pháp Hoa có niên đại sớm, đến năm 1951 do sự phân chia chùa giữa hai làng Quang Hoa và Pháp Hoa, dân lang bị mất nơi thờ cúng định xây dựng chùa mới nhưng do đất đại quá chật hẹp nên không thể làm được.

Thống lý Pháp ở Hà Nội thời đó đã phải phân giải bằng cách cắt hai ngôi nhà ngang của chùa Quang Hoa chia cho dân làng sửa sang lại thành nơi thờ Phật và nơi thờ Mẫu.

Tại chùa Pháp Hoa gồm ba gian nhà nhỏ, tường gạch, lớp ngói tây, kiến trúc hoàn toàn mới. Nhìn chung ngôi chùa này có kiến trúc hoàn toàn mới, nhưng vẫn được xây theo lối cổ, là điển hình của một thời kỳ mà xã hội có nhiều thay đổi.

Chùa Thiền Quang quay về hướng Tây, khuôn viên cũng như quy mô kiến trúc của chùa nhỏ và đơn giản. Phía sau chùa vẫn còn hai tháp mộ của các nhà sư trụ trì đã viên tịch. Giá trị chính của chùa Thiền Quang thể hiện qua hệ thống tượng tròn.

Do những biến động của lịch sử, nhiều pho tượng đã bị thất lạc. Những pho tượng còn lại đều là những pho tượng mang giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Trong số đó, nổi bật hơn cả là pho tượng Bồ Tát, Di Đà phát quang, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.

Đang dần xuống cấp

Hiện tại, tại khu vực này đang triển khai dự án tu bổ, tôn tạo và phát triển giá trị kiến trúc nghệ thuật thắng cảnh hồ Thiền Quang và di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa đang được trụ trì và các phật tử đồng ý và hoàn toàn ủng hộ quyết định của UBND quận Hai Bà Trưng về việc cải thiện và tu bổ chùa. Đồng thời mong kế hoạch nhanh chóng được triển khai.

 

Theo Sư cô Đàm Ninh - Trụ trì chùa Thiền Quang, ba chùa hiện nay đã gặp tình trạng xuống cấp, mối mọt nghiêm trọng. Tại các trụ cột, phần khung mái gỗ và các vì kèo đã bị mối trắng xoá, ăn rỗng phần trong cột, có thể bị sập, hoặc đứt gãy bất cứ lúc nào, điều này gây nguy hiểm cho các tăng ni và phật tử đến với chùa.

"Về việc tu bổ, tôn tạo của chính quyền địa phương, nhà chùa hoàn toàn phối hợp và nghe theo ý kiến chỉ đạo của UBND quận, ngoài ra hiện nay, một số cơ sở vật chất của chùa đã xuống cấp như các cột gỗ đã bị mối mọt có thể ảnh hưởng đến sự an toàn cho các phật tử và tăng ni trong chùa nên rất mong được xem xét sớm cải thiện" - Trụ trì chùa Thiền Quang cho biết.

Sớm cải tạo, tu bổ cụm ba chùa ở hồ Thiền Quang - Ảnh 1
Sớm cải tạo, tu bổ cụm ba chùa ở hồ Thiền Quang - Ảnh 2
 

Theo phật tử Diệu Tâm - chùa Pháp Hoa, chùa Pháp Hoa cũng đang bị côn trùng đục phá làm hư hỏng các cột trụ, để lại trên mặt gỗ các lỗ nhỏ cùng với các mảng bụi màu vàng. Mặc dù nhà chùa đã sử dụng nhiều loại thuốc diệt trừ mối sinh học nhưng không giải quyết triệt để.

"Tình trạng mối mọt xâm hại nghiêm trọng dẫn tới các cột trụ của chùa bị đục rỗng, hiện tại các cơ quan chức năng cũng đã hỗ trợ chùa bằng cách dựng các cột thép chống đỡ tạm thời. Đại diện nhà chùa hoàn toàn đồng ý và tuân theo các yêu cầu của chính quyền địa phương về việc cải thiện và tu bổ chùa, ngoài ra rất mong kế hoạch nhanh chóng được triển khai" - bà Diệu Tâm chia sẻ.