Hội thảo Đánh giá vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đối với ngành lúa gạo và đề xuất các biện pháp cải tổ Hiệp hội. |
Bộc lộ nhiều khiếm khuyết
Tại hội thảo, TS.Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết của VFA. Cụ thể như: VFA chưa có một sứ mệnh và tầm nhìn rõ ràng nên khó có thể đưa các DN hội viên nói riêng và ngành gạo Việt Nam nói chung vươn tầm quốc tế. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý, điều hành VFA cồng kềnh, hoạt động rất kém hiệu quả. Đáng nói, VFA là một hiệp hội được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, nhưng vị trí Chủ tịch hiệp hội vẫn do Bộ Công Thương phê chuẩn và thường vị trí này do lãnh đạo Vinafood I (Tổng công ty Lương thực Miền Bắc) và Vinafood II (Tổng công ty Lương thực Miền Nam) thay nhau đảm nhận.VFA chỉ là hiệp hội của DN xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của DN lớn. Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc gia nhập VFA hiện nay đó là điều kiện “phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ”, trong trường hợp này là Nghị định 109 quy định tiêu chuẩn thương nhân xuất khẩu gạo dựa trên quy mô sản xuất và địa bàn hoạt động. Nhiều DN quy mô nhỏ, đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao lại không đủ điều kiện trở thành thành viên của hiệp hội.Mặt khác, VFA chưa khẳng định được vai trò trong việc định hướng chiến lược phát triển thị trường và liên kết năng động của khối DN tư nhân. Bởi, tư duy thị trường của hiệp hội xuất phát từ việc lãnh đạo DN nhà nước kiêm nhiệm lãnh đạo VFA, trong khi khố DN nhà nước đang tụt hậu so với khối DN tư nhân cả về năng lực phát triển thị trường và năng lực liên kết sản xuất.Mặc dù là hiệp hội của DN xuất khẩu, song VFA thiếu quan tâm tới thị trường nội địa. Đó là chưa kể các hoạt động xúc tiến thương mại của VFA chưa thực sự hiệu quả, không mang lại nhiều lợi ích cho DN tham gia. VFA cũng chưa có bất cứ hoạt động cụ thể nào liên quan đến nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh lương thực; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Cải tổ vào thời điểm “chín muồi”Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ đồng quan điểm, VFA cần sớm được cải tổ nhằm đổi mới vai trò, chức năng và phương thức hoạt động của hiệp hội. TS Võ Hùng Dũng - Nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho rằng, trước mắt, VFA nên giới hạn tên gọi trong phạm vi DN xuất khẩu, nên đổi tên là “Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam” thay vì tên gọi chung cho ngành lương thực. Hiệp hội cần xác định rõ vai trò hàng đầu là bảo vệ quyền lợi của hội viên chủ yếu trên thị trường quốc tế; dẫn dắt/định hướng phát triển thị trường lúa gạo theo đúng mục tiêu tăng chất lượng, tăng giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.Theo TS.Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT), đây là thời điểm “chín muồi” để cải tổ VFA khi hiệp hội này đang lẫn lộn giữa vai trò quản lý nhà nước và vai trò của hiệp hội. Cải tổ VFA là tiến trình tất yếu, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng tăng giá trị. TS Lê Đức Thịnh nhận định, trong bối cảnh Nghị định 109/NĐ-CP của Chính phủ vẫn chưa được sửa đổi/thay thế, VFA cần minh bạch hóa, xác lập nguyên tắc đồng thuận và bình đẳng trong hoạt động đàm phán, ký kết và triển khai các hợp đồng tập trung.Về lâu dài, VFA cần được cải tổ và thay đổi một cách triệt để, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngăt các nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản (độc lập với Nhà nước), tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm. Cùng với đó, tiêu chuẩn hội viên cần được mở rộng nhằm tối đa hóa tiềm năng phat triển thị trường của ngành gạo Việt Nam. Ngoài ra, VFA cũng cần chủ động đề xuất cơ chế hợp tác với Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT để hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra.